Chiều 10.7, tại buổi họp báo cung cấp các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó giám đốc Sở nội Vụ TP.HCM thông tin về tình hình thị trường lao động trên địa bàn và các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức không chuyên trách sau sáp nhập.
Theo bà Hằng, trong 6 tháng đầu năm 2025, TP.HCM mới ghi nhận có 96.795 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2024, tình hình lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 25.205 người.
Cùng với đó, có 3.523 người có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề nhằm thích ứng với yêu cầu mới của thị trường.
Thị trường lao động TP.HCM phục hồi rõ nét
Trong nửa đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng và cung ứng lao động tại TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: bán hàng, marketing, may mặc, giày da, chế biến gỗ, cơ khí và lắp ráp điện tử.
Dự báo từ Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ TP.HCM), trong quý III/2025, các doanh nghiệp sẽ cần khoảng 85.000 – 90.000 lao động. Đáng chú ý, lao động phổ thông vẫn chiếm đến 58% tổng nhu cầu, chủ yếu tập trung vào các công việc sản xuất như dệt may, da giày và lắp ráp.
Việc sáp nhập các địa phương trong thời gian qua đã tạo ra lực lượng lao động mới gia nhập thị trường, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho TP.HCM. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp cũng đặt ra thách thức về chênh lệch kỹ năng giữa người lao động và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Đây là lý do khiến công tác kết nối cung – cầu lao động cần được triển khai mạnh mẽ và linh hoạt hơn trong giai đoạn này.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó giám đốc Sở nội Vụ TP.HCM thông tin về thị trường lao động TP.HCM sau sáp nhập
ẢNH: NGUYỄN ANH
Các giải pháp kết nối việc làm sau sắp xếp
Để bảo đảm ổn định thị trường lao động, Sở Nội vụ TP.HCM đã tham mưu nhiều chính sách thiết thực cho UBND TP.HCM. Cụ thể, đẩy mạnh kênh kết nối việc làm trực tuyến và trực tiếp, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM và cụm phường, xã.
Ưu tiên hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế như người thất nghiệp, sinh viên mới ra trường, lao động bị ảnh hưởng từ việc sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài để đa dạng cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó, đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động nghỉ việc sau khi sắp xếp bộ máy, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về phê duyệt đề án hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ giới thiệu việc làm; mua, thuê mua nhà ở xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp ở TP.HCM.
Cụ thể, hỗ trợ giới thiệu việc làm gắn với định hướng chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề gắn chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm và hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội.