TP.HCM: Khảo sát năng lực tiếng Anh của gần 200.000 học sinh lớp 9 và lớp 11

TP.HCM: Khảo sát năng lực tiếng Anh của gần 200.000 học sinh lớp 9 và lớp 11

bởi

trong
TP.HCM: Khảo sát năng lực tiếng Anh của gần 200.000 học sinh lớp 9 và lớp 11

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong giờ học môn tiếng Anh tại thư viện – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo đó, 100% học sinh lớp 9 và lớp 11 trong và ngoài công lập ở TP.HCM sẽ tham gia vào kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh, bắt đầu từ ngày 6-5-2025.

Học sinh sẽ làm bài khảo sát theo hình thức trực tuyến, dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Trong đó bao gồm các kỹ năng nghe, đọc và viết, với thời lượng 60 phút.

Đề khảo sát sẽ do Phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM soạn thảo theo dạng bài chuẩn của LanguageCert, PeopleCert Qualifications, Anh Quốc.

Các học sinh sẽ đăng nhập trên máy tính hoặc laptop có kết nối mạng Internet tại địa chỉ: http://khaosatngoaingu.hcm.edu.vn để làm bài khảo sát.

Với khối lớp 9, kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 14-5. Với khối lớp 11, kỳ khảo sát sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 22-5-2025.

Được biết, đây là năm thứ 6 TP.HCM tổ chức khảo sát trực tuyến năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho học sinh khối 9 và 11 trên toàn thành phố, bắt đầu từ năm 2020.

Hiện tại số học sinh lớp 9 và lớp 11 ở TP.HCM là gần 200.000 em. 

Mục tiêu khảo sát năng lực tiếng Anh đối với học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết:

“Việc tổ chức kỳ khảo sát này nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh theo chuẩn đầu ra của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; Đánh giá công tác giảng dạy ngoại ngữ tại các trường trung học; Chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…”.

Kết quả bài khảo sát chỉ được sử dụng để phân tích và phục vụ công tác nghiên cứu, không dùng để so sánh, xếp loại, đánh giá học sinh và giáo viên, nhà trường.