Ngày 13.5, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, ngày 12.3, Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 24 tuổi, nghi bị điện giật, nhưng đã tử vong tại nhà.
Trước đó, cơn mưa lớn chiều 12.5 khiến một số khu vực ở huyện Hóc Môn ngập sâu. Lúc này, thấy vườn nhà bị ngập nước nên nam thanh niên đã dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài. Sau đó, gia đình phát hiện bệnh nhân bất tỉnh và gọi bác sĩ quen để được hỗ trợ. Bác sĩ đã đề nghị gia đình gọi ngay cấp cứu 115.

Bác sĩ Trần Vĩnh Khanh hướng dẫn người nhà ép tim cho bệnh nhân bị điện giật qua video call
ẢNH: BSCC
“Trong lúc chờ xe cấp cứu 115 tới, tôi đã đề nghị gia đình gọi video call để hướng dẫn ép tim. Sau hơn 10 phút thì Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn đến. Tuy nhiên, mọi việc đã trễ”, bác sĩ Trần Vĩnh Khanh, người được gia đình nhờ hỗ trợ, chia sẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn thông tin thêm: Chúng tôi nhận được cuộc gọi của Trung tâm cấp cứu 115 và đã đến nhà bệnh nhân ngay. Bệnh nhân tử vong và đã được đưa về bệnh viện. Hiện thi thể bệnh nhân đã được bàn giao cho cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân.

10 phút sau nhân viên y tế đến hiện trường, nhưng bệnh nhân đã tử vong
ẢNH: BSCC
Theo Trung tâm cấp cứu 115, TP.HCM đang bước vào mùa mưa, ngoài những tai nạn do đường trơn, mất tầm nhìn khi tham gia giao thông thì nguy cơ tai nạn do điện giật cũng rất lớn, đặc biệt nếu không cẩn trọng có thể nguy hiểm cho nhiều người.
Trung tâm cấp cứu 115 khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi sử dụng các thiết bị điện và cảnh giác với các trường hợp nghi ngờ bị điện giật.
Khi bị điện giật, nạn nhân có thể có các tổn thương như bỏng tại chỗ tiếp xúc với nguồn điện. Rối loạn nhịp tim do tác dụng của dòng điện. Tổn thương hệ thần kinh mạch máu. Tử vong do ngưng tuần hoàn hô hấp. Các di chứng về sau như: Yếu liệt cơ, giảm chức năng vận động, tàn phế, cắt cụt chi…
Do đó, việc phát hiện và sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Lúc này, người phát hiện cần phải:
- Bình tĩnh, không hốt hoảng, không tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân khi chưa bảo đảm cách điện an toàn.
- Nhanh chóng tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân bằng cách: Ngắt điện, cúp cầu dao, dùng dụng cụ cách điện như cây khô, đồ nhựa, mũ … tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân.
- Chuyển nạn nhân đến nơi khô ráo, thoáng khí (chỉ thực hiện khi đảm bảo an toàn cho cả nạn nhân và người thực hiện, nếu không, gọi 114 để được hỗ trợ).
- Gọi 115 và thực hiện sơ cứu cho nạn nhân theo hướng dẫn.
Theo Trung tâm cấp cứu 115, việc xử lý cấp cứu người bị điện giật ban đầu nhanh, đúng, hiệu quả sẽ góp phần làm tăng khả năng cứu sống nạn nhân và làm giảm nguy cơ di chứng tàn phế cho nạn nhân. Tuy nhiên, người thực hiện cần đảm bảo an toàn khi tiếp xúc để tránh việc tự biến mình thành nạn nhân tiếp theo.