
Ông Võ Hoàng Ngân – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – phát biểu tại buổi ký kết chiều 10-7 – Ảnh: THU DUNG
Chiều 10-7, Sở Xây dựng TP.HCM cùng Trường đại học Monash (Úc) ký kết kế hoạch hợp tác nghiên cứu, triển khai các chương trình đào tạo, quản lý giao thông thông minh (ITS) của TP.HCM.
TP.HCM là trung tâm tăng trưởng đa cực, đầu tàu về khoa học – công nghệ

Ông Võ Hoàng Ngân – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM (ngồi bên phải) cùng giáo sư Yiannis Ventikos – Đại học Monash (ngồi bên trái) thực hiện ký kết kế hoạch hợp tác – Ảnh: THU DUNG
Phát biểu tại buổi ký kết, ông Võ Hoàng Ngân – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – chia sẻ TP.HCM đã mở rộng sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ).
Từ đó mở ra tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển TP.HCM thành một trung tâm tăng trưởng đa cực kết nối hạt nhân công nghệ cao, cụm công nghiệp trọng điểm và trung tâm năng lượng – cảng biển. Không chỉ vậy, TP.HCM cũng sẽ là đầu tàu về khoa học – công nghệ với 3 trụ cột gồm trí tuệ nhân tạo, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Ngân nhận định cùng với quy mô mở rộng, Thành phố cũng đối mặt với những thách thức như ùn tắc giao thông, tính bền vững môi trường và nhu cầu hiện đại hóa hạ tầng trên một địa bàn rộng lớn hơn…
“Buổi ký kết hôm nay cụ thể hóa biên bản ghi nhớ trước đó giữa Sở Xây dựng TP.HCM và Trường Đại học Monash vào tháng 5-2025. Mô hình hợp tác này hội tụ tri thức, công nghệ, con người cùng quyết tâm chính trị đưa ra giải pháp thiết thực, hiệu quả cho đô thị bền vững.
Thông qua đây, hai bên cùng thành lập văn phòng hợp tác nghiên cứu. Đồng thời đẩy nhanh triển khai ứng dụng AI, Big Data, Digital Twin vào quản lý giao thông thông minh; đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị…”, ông Ngân nhấn mạnh.
Quản lý giao thông thông minh ra sao?

Lãnh đạo các đơn vị cùng nhau tham quan Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM – Ảnh: THU DUNG
Để nhanh chóng hoàn thành những mục tiêu trên, ông Đoàn Văn Tấn – giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cho hay các bên đang tích cực phối hợp triển khai 4 nội dung trọng tâm từ quý 3-2025.
Thứ nhất, các đơn vị sẽ đổi mới trong hệ thống giao thông thông minh (ITS) thông qua thu thập và phân tích dữ liệu giao thông thời gian thực; chú trọng nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích hành vi giao thông và nhận diện các vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp kịp thời.
TP.HCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Bản sao kỹ thuật số (Digital Twins) thông qua nghiên cứu thí điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán sự cố, tối ưu hóa giao thông và điều hướng phương tiện.
Triển khai thí điểm công nghệ song sinh kỹ thuật số (Digital Twins) để mô phỏng và phân tích các kịch bản giao thông phức tạp, giúp quản lý hệ thống hiệu quả hơn…
Thứ hai là xây dựng giao thông bền vững với thiết kế và phát triển các hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu tối ưu hóa mạng lưới giao thông công cộng để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm tải lượng xe cá nhân…
Thứ ba là tập trung đào tạo và nâng cao năng lực với tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu và hội thảo khoa học về quản lý giao thông, giao thông xanh. Hỗ trợ học bổng và nghiên cứu sinh tham gia chương trình đào tạo tại Đại học Monash…
Thứ tư là tiến hành thí điểm và ứng dụng công nghệ mới thông qua thực hiện các dự án thí điểm nhằm kiểm nghiệm hiệu quả trước khi triển khai rộng rãi như: Các giải pháp ITS tại một số tuyến đường trọng điểm để kiểm tra khả năng tích hợp công nghệ và hiệu quả thực tiễn…
Sau khi triển khai thí điểm, các bên đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm từ các thí điểm để nhân rộng mô hình tại các khu vực khác.
Được biết, Đại học Monash nằm trong danh sách 50 đại học tốt nhất thế giới của bảng xếp hạng danh tiếng QS World University Rankings năm 2024.
Monash vốn nổi tiếng với mạng lưới rộng khắp toàn cầu. Đối với lĩnh vực kỹ thuật giao thông, trường xếp hạng thứ 34 thế giới. Tại Úc, Đại học Monash thuộc top 8, còn về kỹ thuật đứng số 1.