Ngày 17.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi Công an Hà Nội triệt phá vụ án sản xuất, buôn bán 100 tấn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và thiết bị y tế giả, ngành y tế TP.HCM khẩn trương rà soát, kiểm tra, siết chặt quy trình quản lý thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế trên địa bàn.



Một số loại thuốc giả trong vụ 100 tấn thuốc giả
ẢNH: N.B
Theo Sở Y tế TP.HCM, lượng lớn thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả đã bị đưa vào tiêu thụ tại nhiều nhà thuốc và bệnh viện trên cả nước.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh, sử dụng trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả nhà thuốc và cơ sở kinh doanh khác). Đảm bảo không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, phải rà soát lại quy trình mua thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế tại đơn vị trong thời gian qua. Đảm bảo sản phẩm được cung ứng là hàng hóa được phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Trường hợp phát hiện bất thường, đơn vị lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm này, báo cáo cơ quan quản lý, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Với các cơ sở kinh doanh dược, Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh tại đơn vị. Cần đảm bảo không kinh doanh các sản phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở này kinh doanh đúng phạm vi đã được cấp phép; chỉ được kinh doanh các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế được phép lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định.
Các cơ sở này cũng phải liên thông đầy đủ dữ liệu mua bán thuốc lên Hệ thống cơ sở dữ liệu dược Quốc gia.
Phòng y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức được giao nhiệm vụ thông báo đến các cơ sở kinh doanh dược, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người dân biết để không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả đã được phát hiện trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm y tế trên địa bàn; kịp thời phát hiện các sai phạm và phối hợp với các cơ quan quản lý về thông tin truyền thông tại địa phương xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Các đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả.
Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM cũng được yêu cầu tăng cường công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường, báo cáo kịp thời các vụ việc vi phạm chất lượng đến Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan chức năng liên quan.
Bộ Y tế chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả
Cùng ngày, Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực tthuôc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm tháng 5 đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Y tế chỉ đạo mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ ngày 15.5.2025 đến 15.6.2025.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu triển khai quyết liệt và hiệu quả về việc xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả…
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân.
Cần siết chặt công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, dấu hiệu tội phạm để có biện pháp phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm tận gốc.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm.
Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải quán triệt toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc kỷ luật công vụ; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ý thức công vụ; tuyệt đối không lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn.
Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế giả trên địa bàn.