Trách nhiệm pháp lý vụ ô tô tông tử vong 3 người rồi lao xuống sông

Trách nhiệm pháp lý vụ ô tô tông tử vong 3 người rồi lao xuống sông

bởi

trong

Như Dân trí thông tin, chiều 13/7, ô tô do anh T.H.B. (37 tuổi, ở xã Vạn An, tỉnh Nghệ An) điều khiển di chuyển tới Quốc lộ 46A, đoạn qua xã Vạn An, thì bất ngờ va chạm, hất văng xe máy do anh Đ.Đ.C. (32 tuổi, ở xã Đại Huệ, tỉnh Nghệ An) điều khiển chở vợ và 2 con trai. Chiếc xe sau đó tiếp tục tông vào một xe máy đi cùng chiều rồi lao xuống sông. 

Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong là anh C., cháu Q. (9 tuổi, con trai lớn của anh C.) và anh S. (35 tuổi, người ngồi cùng ô tô). Tài xế ô tô, vợ và con trai nhỏ của anh C. bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. 

Từ sự việc trên, với hậu quả hết sức nghiêm trọng khi làm 6 người thương vong, tài xế ô tô có thể phải chịu trách nhiệm ra sao? 

Trách nhiệm pháp lý vụ ô tô tông tử vong 3 người rồi lao xuống sông

Chiếc ô tô được cẩu lên bờ (Ảnh: Nguyễn Quang).

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận đây là sự việc hết sức đáng tiếc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với hậu quả làm 6 người thương vong, trong đó có 3 người thiệt mạng, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý (nếu có) của các cá nhân liên quan. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Hùng cho rằng vấn đề quyết định đến số phận của tài xế ô tô trong trường hợp này sẽ là yếu tố lỗi. Tùy thuộc kết quả xác minh, làm rõ yếu tố lỗi từ công an, vụ việc có thể diễn ra theo 2 chiều hướng như sau: 

Thứ nhất, nếu kết quả xác minh không cho thấy xuất hiện yếu tố lỗi, đồng thời nguyên nhân vụ việc được xác định do sự kiện bất ngờ (VD: mất phanh hệ thống, hỏng động cơ, nổ lốp…), ngoài kiểm soát của tài xế và tài xế đã áp dụng mọi biện pháp tối ưu nhưng không thể ngăn thiệt hại xảy ra, đây có thể coi là tình huống bất khả kháng. 

Trường hợp thiệt hại xảy ra do tình huống bất khả kháng, trách nhiệm dân sự và hình sự có thể được miễn trừ. 

Thú hai, nếu kết quả xác minh cho thấy có yếu tố lỗi của tài xế như thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ, không tuân thủ làn đường, phần đường hay các quy tắc an toàn khi lưu thông dẫn tới tai nạn chết người, tài xế ô tô có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Căn cứ khoản 3 Điều này, với hậu quả làm chết 3 người, trong trường hợp bị quy kết tội danh, tài xế có thể bị truy tố với khung hình phạt 7-15 năm tù. 

Trách nhiệm pháp lý vụ ô tô tông tử vong 3 người rồi lao xuống sông - 2

Chiếc xe máy chở gia đình anh C. biến dạng sau cú tông (Ảnh: Nguyễn Quang).

Về trách nhiệm dân sự, người vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân. Mức bồi thường được tính căn cứ quy định tại các Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015. 

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ đồng thời đánh giá về những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ (nếu có) của người vi phạm theo các Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên theo Điều 51 và không có thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52, Tòa án có thể căn cứ Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét đưa ra mức án dưới khung hình phạt mà người này có thể bị truy tố.