Trại hè – đắt đỏ và hên xui

Trại hè – đắt đỏ và hên xui

bởi

trong
Trại hè – đắt đỏ và hên xui

Gia đình tôi thường trở về Việt Nam vào mùa hè với mong muốn các con được kết nối với anh chị em họ và bạn bè đồng trang lứa.

Nhưng mấy năm gần đây, chúng tôi thỉnh thoảng rơi vào cảnh chưng hửng vì không khớp được lịch. Bọn trẻ nhà tôi vừa về tới Việt Nam, thì các anh chị họ và hàng xóm xung quanh bắt đầu đi học thêm hoặc vào trại hè. Cánh phụ huynh chúng tôi chép miệng với nhau: cực chẳng đã, cha mẹ hè đến là bế tắc. Không học thêm, không trại hè, không về quê là lũ trẻ sẽ trở thành… game thủ.

Nhưng mà học thêm thì mệt bọn trẻ, về quê thì vất vả ông bà, còn các trại hè ngắn ngày chi phí đắt đỏ, chất lượng lại không đồng đều, phụ thuộc “may rủi hên xui”. Điều này khiến tôi tự hỏi: Làm thế nào để trẻ em Việt Nam có một kỳ nghỉ hè thực sự ý nghĩa, vừa giúp tái tạo năng lượng, vừa phát triển kỹ năng sống, mà không tạo áp lực tài chính quá lớn cho phụ huynh?

Những năm gần đây, dịch vụ trại hè tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Có hàng trăm chương trình trại hè với đa dạng hình thức như trại hè quân đội, trại hè tiếng Anh, trại hè STEM, trại hè nghệ thuật, hay trại hè quốc tế. Thời gian thường kéo dài từ vài ngày đến một hoặc hai tuần, chi phí dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào loại hình và uy tín của đơn vị tổ chức.

Theo tìm hiểu của tôi, một chương trình trại hè lâu năm với cảm hứng từ môi trường quân đội có chi phí cỡ một triệu đồng mỗi ngày. Một trại hè bán trú khác tận dụng cơ sở vật chất của các trường mầm non và phổ thông tư thục tại TP HCM có chi phí khoảng 15 triệu đồng, trong khi các trại hè quốc tế như du học hè tại Singapore có thể lên đến 50-60 triệu đồng cho hai tuần. Còn tới Mỹ, Anh hay Australia đòi hỏi 100 đến 225 triệu đồng cho 2-3 tuần, chưa kể vé máy bay và các chi phí phát sinh khác. Không phải gia đình nào cũng có thể… chịu được.

Ở Pháp, mô hình trại hè được tổ chức khá bài bản và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc xã hội. Điểm nổi bật là các trường học, do chính quyền địa phương quản lý, được tận dụng làm cơ sở tổ chức các chương trình bán trú suốt mùa hè. Những hoạt động này có chi phí hợp lý, thường chỉ bằng một phần nhỏ so với các chương trình trại hè tư nhân.

Chính quyền địa phương tại Pháp có lực lượng chuyên trách về giáo dục trẻ em, bao gồm nhân viên được đào tạo bài bản (có chứng chỉ hành nghề) và các cộng tác viên được tuyển chọn kỹ lưỡng. Chương trình hè thường được thiết kế liên kết với các địa điểm văn hóa như công viên thể thao, rạp chiếu phim, bảo tàng, giúp trẻ vừa học vừa chơi trong môi trường an toàn và bổ ích. Chi phí tham gia đã bao gồm các hoạt động này, giúp tiết kiệm đáng kể so với việc gia đình tự đưa trẻ đến những địa điểm tương tự.

Ngoài các chương trình bán trú bình dân, Pháp cũng có các trại hè cao cấp hơn với chi phí cao, tập trung vào các hoạt động như học ngoại ngữ, khám phá văn hóa quốc tế, hay phát triển kỹ năng chuyên sâu (âm nhạc, thể thao hay mỹ thuật). Những chương trình này cũng được kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước về chất lượng nhân sự và cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Sự đa dạng giúp phụ huynh có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và ngân sách của gia đình.

Quay lại Việt Nam, một trong những vấn đề lớn nhất là chất lượng trại hè không đồng đều. Nhiều chương trình quảng cáo rầm rộ với những lời “có cánh” như “bẻ khóa tư duy triệu phú” hay “rèn luyện EQ và IQ đỉnh cao”, nhưng thực tế lại thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không đủ chuyên môn, hoặc không đảm bảo an toàn cho trẻ. Một số trường hợp đáng tiếc, như trẻ bị bắt nạt hay điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh, đã làm dấy lên lo ngại về sự thiếu kiểm soát trong lĩnh vực này.

Để trẻ em Việt Nam có một mùa hè ý nghĩa, vừa tái tạo năng lượng, vừa phát triển kỹ năng sống, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía chính quyền, các đơn vị tổ chức và phụ huynh.

Việt Nam có thể học hỏi mô hình của Pháp, sử dụng các trường học công lập làm địa điểm tổ chức trại hè bán trú với chi phí hợp lý. Chính quyền địa phương phối hợp với các sở giáo dục để xây dựng chương trình hè đa dạng, từ học thuật, thể thao đến nghệ thuật, với sự tham gia của đội ngũ giáo viên và nhân viên được đào tạo. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đảm bảo chất lượng và an toàn cho trẻ.

Kế đến, cần có cơ chế giám sát cả về nhân sự và cơ sở vật chất trong các hoạt động liên quan đến trẻ em. Các cơ quan liên bộ cần ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về cơ sở vật chất, nhân sự và nội dung chương trình. Đồng thời, cần có cơ chế thanh tra, giám sát định kỳ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ và an ninh cho trẻ.

Các tổ chức về trẻ em cần thực sự làm việc, để tạo ra các chương trình hè bình dân. Ví dụ, trẻ có thể tham gia các buổi sinh hoạt chủ đề tại bảo tàng hoặc các hoạt động thể thao tại công viên với chi phí được trợ giá, giúp giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh.

Mùa hè là thời điểm quý giá để trẻ em tái tạo năng lượng, khám phá bản thân và phát triển kỹ năng sống. Muốn vậy, các bậc phụ huynh, đặc biệt là các gia đình chưa có điều kiện tốt, cần được giúp một tay. Khi cha mẹ không thể tự xoay xở, bọn trẻ sẽ vĩnh viễn mất đi mùa hè thực sự.

Võ Nhật Vinh