Trầm cảm, lo âu học đường: Cần được nhìn nhận nghiêm túc

Trầm cảm, lo âu học đường: Cần được nhìn nhận nghiêm túc

bởi

trong
Trầm cảm, lo âu học đường: Cần được nhìn nhận nghiêm túc

Ông Lê Thắng Lợi nhấn mạnh các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu học đường đang ngày càng phổ biến và cần được ngành giáo dục quan tâm đúng mức – Ảnh: HỒ NHƯỠNG

Thiết yếu giữa chuyển động giáo dục

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thắng Lợi nhận định tâm lý học đường đang ngày càng được nhìn nhận đúng với vai trò thiết yếu của nó trong hệ thống giáo dục, khi nền giáo dục Việt Nam bước vào một giai đoạn chuyển đổi toàn diện.

“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, từ chuyển đổi số, đổi mới thiết bị, phương thức dạy học, cho đến định hướng hội nhập quốc tế. Đồng thời giáo dục còn đang phải đối mặt với những thách thức sâu sắc mang tính quốc gia, đi cùng làn sóng phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Những thay đổi này không chỉ tác động đến hệ thống quản lý, phương pháp giảng dạy, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của học sinh, phụ huynh và cả đội ngũ giáo viên. Trầm cảm, lo âu do áp lực học tập, bắt nạt học đường, tổn thương cảm xúc… đang trở nên phổ biến và cần được nhìn nhận như những vấn đề cốt lõi”, ông Lợi nhấn mạnh.

Theo ông Lợi, dù các hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường những năm gần đây đã có nhiều bước tiến về mặt chuyên môn, ông cho rằng hệ thống vẫn còn thiếu sự kết nối hiệu quả, chưa tận dụng tối đa các nguồn lực, từ chuyên gia, tài liệu, công nghệ đến cơ sở dữ liệu, để hình thành một hệ sinh thái vững chắc và bền lâu.

Trong bối cảnh đó, việc mở rộng chuyên môn và xây dựng mạng lưới các nhà tâm lý học đường Việt Nam tại khu vực phía Nam là một bước đi hoàn toàn đúng đắn và thực chất. Đây là hành động thiết thực để cùng nhau chuyển hóa nhu cầu rời rạc thành một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ chính sách, đào tạo đến truyền thông và phát triển cộng đồng nghề.

Tâm lý học đường: Cần chuyên môn

PGS.TS Đỗ Tất Thiên – trưởng khoa tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM – cho rằng việc đào tạo đại học hiện nay đã chú trọng năng lực chuyên môn, song vẫn chưa đủ để chuẩn bị toàn diện cho sinh viên khi bước vào nghề. Theo ông Thiên, người làm tâm lý học đường muốn đi đường dài cần liên tục trau dồi, bổ sung kiến thức qua các khóa học chuyên sâu, thực hành thực tế hoặc học lên trình độ cao hơn.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Bích Hồng – chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học đường và sức khỏe tâm thần học sinh – cũng lưu ý thêm về hoàn cảnh sống của nhiều học sinh hiện nay. 

Từ thực tế giảng dạy, bà từng gặp những lớp học có tới 40% học sinh không sống cùng cha mẹ, thiếu sự quan tâm, dẫn đến khó hòa nhập và dễ bị cuốn vào các hành vi tiêu cực như chơi game, hút thuốc. Điều này cho thấy việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần học đường cần đặt trong bối cảnh tổng thể các mối quan hệ quanh học sinh từ gia đình, bạn bè đến thầy cô.

Ở góc độ thực hành, chị Huỳnh Mai – nhà tâm lý học đường Trường TH-THCS-THPT Tân Phú – cho rằng người làm tâm lý học đường cần hiểu rõ cơ chế vận hành nội bộ trường học, từ luật lệ, quản lý, đến các yếu tố ảnh hưởng đến “bầu khí” lớp học. 

Chị cho rằng vai trò của người tham vấn không thể tách rời khỏi hệ thống nhà trường, mà cần tham gia điều chỉnh từ những chi tiết nhỏ nhất, như cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, văn bản để tạo ảnh hưởng tích cực đến học sinh.