Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

bởi

trong

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (76 tuổi, quê ở Quảng Ninh) nguyên là Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Nhập ngũ từ năm 17 tuổi, ông trải qua cuộc đời quân ngũ 43 năm. Từ chiến sĩ trở thành một vị tướng, ông lập rất nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt là 2 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ năm 19 tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi.

Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng

ẢNH: NVCC

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã có cuộc trò chuyện với Báo Thanh Niên về những năm tháng chiến đấu khốc liệt. Ông tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với chiến thắng thuộc về dân tộc Việt Nam anh hùng.

Khát khao ra chiến trường của chàng thanh niên 17 tuổi

Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Đoàn Sinh Hưởng mới 17 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên Phong.

Thời điểm ấy, phong trào chống Mỹ cứu nước đang diễn ra rất mạnh mẽ. Khắp các làng xã đều tuyển quân, thanh niên trong làng háo hức đi bộ đội, ai cũng muốn được cống hiến. Ông Hưởng mới học xong lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ) cũng xung phong nhập ngũ. Lúc đó, ông cao chừng 1,4 m, nặng có 48 kg, không đủ tiêu chuẩn. Thế nhưng, vì ông “hăng hái quá” nên bác sĩ đã “nhắm mắt” cho nhập ngũ.

“Thời đó, không được đi bộ đội, không được tham gia thanh niên xung phong, người trẻ cảm thấy như mình bị thiệt thòi, không bằng bạn bè trang lứa. Trong tâm trí tôi không hề nghĩ đến chuyện học hành, chỉ có một khát khao cháy bỏng là được ra chiến trường, được cống hiến cho Tổ quốc. Chưa vướng bận tình yêu, những năm tháng ấy, tôi sống và chiến đấu một cách vô tư, trọn vẹn”, ông kể.

Thời điểm đó, không được đi bộ đội, không được tham gia thanh niên xung phong, người trẻ cảm thấy như mình bị thiệt thòi, không bằng bạn bè trang lứa

Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

Khi lên đường nhập ngũ, bố ông chỉ dặn: “Nhà còn mấy sào ruộng, cố hoàn thành nhiệm vụ rồi về mà làm”. Chính câu nói ấy đã theo ông suốt chiến trường, giúp ông có động lực vượt qua tất cả.

Chiến dịch đầu tiên ông Hưởng tham gia là Đường 9 – Khe Sanh (1967 ‑ 1968, ở Quảng Trị), trận địa được ví như “Điện Biên Phủ thứ hai” vì mức độ khốc liệt. Tiếp đó, ông chiến đấu tại các chiến trường ác liệt như Quảng Trị, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, rồi được cử đi học tại Trường sĩ quan Lục quân 1. Kết thúc khóa học, ông được điều về làm Đại đội trưởng xe tăng thuộc Binh chủng Tăng – Thiết giáp, rồi vào chiến trường Tây nguyên.

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 2.

Ông Hưởng nói về biệt danh “con sóc Tây nguyên”

ẢNH: NVCC

Với những trận đánh “lấy ít địch nhiều” và “biến hóa” về chiến thuật, ông được đồng đội đặt biệt danh “con sóc Tây nguyên”. Giải thích về biệt danh này, ông Hưởng cho hay: “Có nhiều lần, giữa làn mưa bom bão đạn, tình hình thay đổi liên tục. Để bảo vệ đồng đội và hoàn thành nhiệm vụ, tôi phải di chuyển nhanh chóng, thoăn thoắt từ vị trí này sang vị trí khác, tìm kiếm những sơ hở của địch, hoặc kịp thời đưa ra những mệnh lệnh thay đổi hướng tấn công, cách phòng thủ. Có lẽ, cái sự nhanh nhẹn, luồn lách như một chú sóc trong rừng đã khiến đồng đội đặt cho tôi biệt danh đó.

Anh em trong đơn vị gọi tôi là “con sóc Tây nguyên” không chỉ vì tốc độ mà còn bởi sự xuất hiện bất ngờ, đúng lúc ở những nơi khó khăn nhất”.

Chiến thuật “nở hoa trong lòng địch” góp phần quan trọng giải phóng Tây nguyên

Rạng sáng 4.3.1975, chiến dịch Tây nguyên chính thức bắt đầu. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11.3, quân ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng để giải phóng TX.Buôn Ma Thuột. Đây là trận then chốt quyết định của chiến dịch, một trận “điểm đúng huyệt”, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Khi đánh vào TX.Buôn Ma Thuột, Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây nguyên quyết định đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 – cơ quan chỉ huy đầu não của địch ở tỉnh Đắk Lắk và cả Nam Tây nguyên. Cách đánh vào căn cứ này là sử dụng một lực lượng tinh nhuệ được trang bị xe tăng, xe bọc thép có nhiệm vụ đánh lướt qua các vị trí vòng ngoài của địch, sau đó đột phá thẳng vào trung tâm đầu não Sở chỉ huy Sư đoàn 23 theo chiến thuật “nở hoa” làm cho địch rối loạn chỉ huy. Cả 5 cánh quân đánh TX.Buôn Ma Thuột đều lấy mục tiêu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 là hợp điểm cuối cùng.

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 3.
Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 4.

Bức ảnh ông Hưởng khi tham gia chiến dịch Tây nguyên

ẢNH: NVCC

Trong chiến dịch Tây nguyên, ông Hưởng vinh dự khi được tham gia trận đánh được coi là then chốt của then chốt. Đó là trận đánh thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23.

Ông Hưởng kể, khi đó, Đại đội 9 gồm 10 chiếc xe tăng và được tăng cường thêm 8 xe thiết giáp (K63) do ông chỉ huy, phối hợp cùng với một tiểu đoàn bộ binh thọc sâu vào Sư đoàn 23. Đây là mũi thọc sâu hỗn hợp của chiến dịch gồm: xe tăng, xe thiết giáp và bộ binh, là cách đánh táo bạo của chiến dịch.

“Chúng tôi bí mật giấu xe tăng, sau đó vượt hơn 300 km đường rừng đến vị trí tập kết, cách Buôn Ma Thuật 40 km. Sau đó, đánh từ phía tây thọc thẳng vào căn cứ của địch, đánh từ trong đánh ra. Đây là cách đánh “nở hoa trong lòng địch”, là một lối đánh táo bạo, bất ngờ và làm rối loạn, mất phương hướng chỉ huy của địch; tạo điều kiện cho các mũi tiến công đánh chiếm TX.Buôn Ma Thuột nhanh chóng”, ông Hưởng nói.

Tiếp đó, ngày 17.3, Đại đội 9 của ông Hưởng phối hợp với Sư đoàn 320 đánh chiếm TX.Cheo Reo – Phú Bổn. Sau trận này, theo yêu cầu nhiệm vụ, xe tăng T54B của Đại đội 9 được giao cho một đơn vị khác, đại đội có nhiệm vụ đi tìm và thu xe tăng của địch để cùng với bộ binh đánh đuổi địch trên đường số 7 qua Phú Túc, Củng Sơn và xuống giải phóng Tuy Hòa (Phú Yên).

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 5.

Xe tăng 980 của Đại đội tăng 9 do thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy thọc sâu, đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngày 10.3.1975

ẢNH: NVCC

Tại Phú Yên, xe tăng của ông Hưởng đã tiêu diệt trận địa pháo 4 khẩu 105 li trên đồi Nhạn Thác. Đại đội 9 cùng Sư đoàn 320 đã chiếm được TX.Tuy Hòa vào ngày 1.4.1975. Riêng trận đó, xe tăng do ông Hưởng chỉ huy đã bắn cháy 2 tàu chiến của địch ở cửa biển Tuy Hòa.

Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị tại vị trí tập kết, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng có sáng kiến mỗi xe tăng đeo cố định thêm 10 viên đạn pháo, nâng cơ số đạn chiến đấu của mỗi xe tăng từ 34 viên lên 44 viên, bảo đảm chiến đấu được thời gian dài. Sáng kiến gia cố thêm đạn này về sau được toàn Trung đoàn 273 áp dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chúng tôi cứ lao lên phía trước, có những đồng đội mở cửa để xe tăng xông vào đã bị địch bắn ngã xuống, người sau lại tiếp tục xông lên

Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

“Chiếc xe tăng 980 mà tôi từng chỉ huy giờ đây đã trở thành tượng đài chiến thắng, minh chứng cho sự khốc liệt của thời khắc lịch sử ấy. Bấy giờ, tình hình rất cam go, chúng tôi cứ lao lên phía trước, có những đồng đội mở cửa để xe tăng xông vào đã bị địch bắn ngã xuống, người sau lại tiếp tục xông lên. Trận chiến là hiện thân của ý chí và nghị lực phi thường”, ông Hưởng tự hào.

Sau khi giải phóng Tây nguyên, Đại đội 9 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó, trận đánh ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn trên cầu Bông đã trở thành một huyền thoại về nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”.

Trận đánh cảm tử 4 “chọi” 24 trước cửa ngõ Sài Gòn

Ông Hưởng nhớ lại, sáng 29.4.1975, Đại đội 9 của ông Hưởng nhận nhiệm vụ chiếm và giữ cây cầu Bông ở cửa ngõ Sài Gòn để quân ta tiến vào. Đoàn xe tăng của đại đội ban đầu có 15 chiếc lấy được của địch, nhưng do hỏng hóc dọc đường từ Tây nguyên xuống và thiếu phụ tùng thay thế, buộc phải bỏ lại một số xe, chỉ còn 4 chiếc khi vào đến khu vực cầu Bông.

Khi đến cầu Bông, ông Hưởng phát hiện một đoàn xe tăng địch gồm 24 chiếc và 2 ô tô vận tải đang dàn đội hình tiến về phía ta. Tình thế lúc đó vô cùng nguy hiểm, lực lượng của ta quá mỏng so với đối phương.

“Tôi hơi chột dạ bởi mình chỉ có 4 chiếc xe tăng. Thế nhưng ý nghĩ này chỉ thoáng qua vì tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ quan trọng mà Quân đoàn đã giao: “Đại đội 9 phải giữ bằng được cầu Bông”. Lúc ấy, tôi bấm máy gọi bộ đàm thông báo với Chính trị viên đại đội (ông Huỳnh Văn Dịch) và hạ lệnh cho đội hình xe tăng lùi lại, ém quân sang hai bên đường”, ông Hưởng hồi tưởng.

Nhận thấy nếu đối đầu trực diện 4 đấu 24 chắc chắn sẽ gặp bất lợi, vị chỉ huy quyết định lệnh ém quân hai bên đường, đợi đội hình xe tăng của địch vượt qua cầu Bông. Khi đoàn xe tăng địch nối đuôi nhau vượt qua cầu, chiếc đi đầu cách ông khoảng 500 m, ông hạ lệnh khai hỏa khiến chiếc đi đầu bốc cháy, chặn cả đoàn xe lại.

Tiếp đó, ông hạ lệnh bắn xe cuối cùng nhưng đạn không trúng, ông lập tức bắn phát thứ hai, chiếc xe tăng cuối cùng bị cháy. Như vậy, đầu bị chặn, đuôi bị khoá, địch bắt buộc phải lao xuống ruộng lúa và bắn trả một cách điên cuồng.

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 6.

Ông Hưởng cùng người thân chụp ảnh bên chiếc xe tăng 390

ẢNH: NVCC

“Lúc này, với số lượng xe ít hơn nhưng tinh thần chiến đấu của anh em rất cao, lại có lợi thế về địa hình phục kích, tôi bình tĩnh chỉ huy từng xe bắn tỉa vào đội hình địch. Chúng tôi tập trung hỏa lực vào những vị trí xung yếu, hạ gục từng chiếc một. Khi có tới khoảng 12 chiếc xe địch bị bắn cháy, quân địch hoàn toàn mất khả năng chiến đấu. Chúng bắt đầu hoảng loạn, bỏ xe đầu hàng hoặc tìm cách tháo chạy và bị ta tiêu diệt. Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã giữ vững được cầu Bông, khiến đội hình địch bỏ chạy tán loạn”, ông Hưởng thuật lại.

Sau trận đánh đó, Đại đội 9 của ông Hưởng đã củng cố đội hình và tiếp tục tiến vượt qua Hóc Môn đánh vào trại Quang Trung của địch và sau đó đánh vào ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả, sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Ngụy.

“Thành công tôi có được đều nhờ đồng đội”

Sau khi đất nước giải phóng, ông Hưởng là một trong 6 cá nhân trong toàn quân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 7.

Ông Hưởng (bên phải) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

ẢNH: NVCC

“Thành thật mà nói, tôi chiến đấu không nghĩ đến danh hiệu hay phần thưởng. Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ được tuyên dương anh hùng. Khi được chỉ đạo làm thành tích để khen thưởng thêm, tôi vẫn không nghĩ đến vinh dự này. Đến khi họ tìm tòi kỹ lưỡng, hầu hết các đơn vị trong Quân đoàn 3 đều giới thiệu tên tôi. Điều đó khiến tôi rất bất ngờ”, ông Hưởng nói và cho rằng phần thưởng cao quý dành cho mình, nhưng cũng là sự tôn vinh của tập thể.

Tôi chiến đấu không nghĩ đến danh hiệu hay phần thưởng

Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

Ông Hưởng từng có ý định xin ra khỏi quân ngũ nhưng sau khi nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã suy nghĩ lại và quyết định tiếp tục ở lại phục vụ quân đội lâu dài, phấn đấu và công tác.

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 8.

Ông Hưởng nói về bức ảnh khi tham gia những trận đánh lớn

ẢNH: ĐÌNH HUY

“Danh hiệu ấy không phải lý do tôi tham gia quân đội, nhưng nó trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục cống hiến. Sau này ngẫm lại, tôi nhận ra chiến công không chỉ là nỗ lực cá nhân, mà còn là sự đoàn kết, hỗ trợ từ đồng đội. Với tôi, mọi chiến tích, mọi thành công mình có được cho đến ngày hôm nay đều nhờ có những người đồng đội luôn kề vai, sát cánh”, ông Hưởng xúc động.

Sau đó, ông Hưởng được cử đi học ở Liên Xô, trở về làm Lữ đoàn trưởng khi mới 34 tuổi, rồi Sư đoàn trưởng khi ở tuổi 37. Năm 41 tuổi, ông làm Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp, rồi về làm Tư lệnh Quân khu 4 và nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2010.

Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng - Ảnh 9.

Ông Hưởng khi giữ vị trí Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp

ẢNH: NVCC

Trong thời gian làm Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng luôn trăn trở về việc làm sao để xe tăng không chỉ là phương tiện chiến đấu mà còn là lực lượng đột kích mạnh mẽ, có thể tác chiến trong mọi địa hình từ đồi núi đến đồng bằng. Đối với xe tăng, sức cơ động cao (đi được trên các địa hình cho phép), hỏa lực phải mạnh (khả năng bắn nhanh và chính xác).

Tôi luôn suy nghĩ là làm sao Việt Nam sản xuất được xe tăng, thay vì phải đi mua

Trận 4 xe tăng ta đối đầu 24 xe tăng địch tại cửa ngõ Sài Gòn qua ký ức tướng Đoàn Sinh Hưởng

“Một điều khiến tôi luôn suy nghĩ là làm sao Việt Nam sản xuất được xe tăng, thay vì phải đi mua. Tôi nghĩ rằng, muốn có sức chiến đấu lâu dài thì cần phải có xe tăng, phải có công nghệ tự chủ để phát triển lực lượng tăng thiết giáp”, ông nhận định.