Tràn lan sữa giả và thuốc giả, Thủ tướng nói có buông lỏng, phải kiểm điểm

Tràn lan sữa giả và thuốc giả, Thủ tướng nói có buông lỏng, phải kiểm điểm

bởi

trong

Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành sáng 14/5, để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, song người đứng đầu Chính phủ không quên điểm tên nhiều vụ án nghiêm trọng vừa qua như vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại TPHCM; hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá…

Tràn lan sữa giả và thuốc giả, Thủ tướng nói có buông lỏng, phải kiểm điểm

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Việc này tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, theo Thủ tướng.

Nhận định đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan.

Đặt câu hỏi phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm, bỏ sót nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, năm 2025, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm, như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, như xăng, dầu, vàng, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh, hàng gia dụng…

Trong địa bàn nội địa, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố; buôn bán công khai trên mạng xã hội.

Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Tràn lan sữa giả và thuốc giả, Thủ tướng nói có buông lỏng, phải kiểm điểm - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389.

Cùng với tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Ban Chỉ đạo đề cập tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại.

Nguyên nhân được chỉ ra ngoài do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn do trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa rõ ràng, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy khi xảy ra vụ việc vi phạm.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 cho rằng việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan cũng chưa tốt; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa nhịp nhàng, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi, sắp xếp bộ máy của một số lực lượng (công an, hải quan, thuế, quản lý thị trường).