
Thanh niên tình nguyện (áo xanh) hướng dẫn người dân xã Bát Xát (Lào Cai) làm thủ tục hành chính – Ảnh: VŨ TUẤN
Chiều 10-7, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an tập huấn đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở.
Cập nhật nhanh cách sử dụng phần mềm VNeID
Buổi tập huấn đồng loạt tại hơn 3.600 điểm cầu trực tuyến, thu hút gần 20.000 cán bộ Đoàn – Hội và tình nguyện viên cả nước tham dự.
Đây là thành viên các đội hình tình nguyện đang hỗ trợ chính quyền và người dân thực hiện các thủ tục hành chính trong những ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp.
Các tình nguyện viên được trang bị 3 nhóm kỹ năng là hỗ trợ người dân sử dụng VNeID, kỹ năng hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm trợ lý ảo trong công việc.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại buổi tập huấn – Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Mỗi tình nguyện viên là tấm gương về tác phong chuyên nghiệp
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang – bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương – cho biết chương trình tình nguyện hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến là một chương trình tình nguyện đặc biệt.
Đây cũng là dịp để thanh niên cụ thể hóa, thể hiện trách nhiệm và vinh dự lớn lao khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng, thể hiện rõ vai trò của thanh niên trong việc đồng hành cùng chính quyền cấp cơ sở thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, phục vụ người dân.
Chị Trang đề nghị mỗi tình nguyện viên phải là một tấm gương về tác phong chuyên nghiệp, nắm vững nguyên tắc, không làm thay nhiệm vụ chuyên môn, không vượt quyền, bảo mật thông tin, nhưng luôn sẵn sàng, tận tình hỗ trợ người dân.
Chị cũng đề nghị các cấp Đoàn – Hội cần tiếp tục phân công, bố trí lực lượng phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, ưu tiên những bạn trẻ có năng lực công nghệ và kỹ năng giao tiếp tốt.
Ngoài ra phải thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá định kỳ, chủ động ghi nhận, tổng hợp và nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng toàn chiến dịch.

Các đội hình tình nguyện tập trung hướng dẫn người dân tại các xã biên giới, hải đảo, nơi gặp nhiều khó khăn tiếp cận công nghệ thông tin – Ảnh: VŨ TUẤN
Hơn 240.000 thanh niên tham gia chiến dịch trên 3.321 địa bàn
Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã huy động hơn 240.000 đoàn viên, thanh niên, tổ chức thành 4.821 đội hình tình nguyện triển khai tại 3.321 xã, phường, đặc khu, trong đó có 286 địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Các đội hình đã và đang trực tiếp tham gia hỗ trợ cán bộ công chức xã, phường thực hiện số hóa dữ liệu, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ thông tin định danh điện tử, cài đặt VNeID, tra cứu và nộp hồ sơ trực tuyến.
Tại nhiều địa phương, các mô hình sáng tạo như “1-1”, “phiên dịch công nghệ”, “bình dân học vụ số”, “loa kéo tuyên truyền”, “tổ kép thanh niên – công an”… đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo dấu ấn đẹp trong lòng người dân.