Cụ thể, nhà giáo Lê Hoàng cho biết sáng 26.5, ông nhận cuộc gọi điện từ một cựu giáo chức, với giọng buồn về trang phục của học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Bảo Lộc, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng. Cựu giáo chức gửi hình ảnh nhóm nam sinh lớp 12 của trường này. Trong hình, học sinh mặc vest. Cựu giáo chức bình luận: “Học sinh 12 mà nhìn cháu nào cũng già thêm mấy tuổi, mất hết ‘dáng’ của tuổi 18” và “Chưa kể đến việc gia đình nhiều cháu hoàn cảnh khó khăn, nên may một bộ vest là quá sức với họ”.

Ảnh kỷ yếu của một lớp 12 Trường THPT chuyên Bảo Lộc, học sinh cho biết nhà trường yêu cầu sắm vest cho lễ tri ân và trưởng thành “xêm xêm” mẫu này
ẢNH: HỌC SINH CUNG CẤP
Thời điểm ngày 26.5, Trường THPT chuyên Bảo Lộc chưa tổ chức lễ tri ân, trưởng thành. Nhà giáo Lê Hoàng hỏi một học sinh 12 đang học tại Trường THPT chuyên Bảo Lộc về việc học sinh mặc vest trong lễ tri ân trưởng thành. Em học sinh xác nhận: “Dạ, đúng rồi ạ!” và nói thêm em “hơi đắn đo việc thuê đồ, tại giá cả nó cũng khá khó với một số bạn”. Em chân tình nói với nhà giáo Lê Hoàng: “Thực ra con vẫn thích quần tây, áo sơ mi, nó gần gũi với học sinh hơn là vest này nọ”.
Nhà giáo Lê Hoàng cho biết là một nhà giáo, từng tổ chức lễ tri ân và trưởng thành trong nhiều năm, ông băn khoăn khi học sinh mặc vest trong lễ tri ân trưởng thành. Thứ nhất, chọn vest cho học sinh phổ thông, cần hết sức cân nhắc từ màu sắc đến kiểu dáng. Bởi lứa tuổi các em trẻ trung, năng động, giàu hoài bão, ước mơ. Trang phục cho lễ tri ân và trưởng thành mà chọn vest như của U.50, U.60 thì khó phù hợp với học sinh.
Thứ hai, theo nhà giáo Lê Hoàng, việc tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cần sao cho vui, gắn với tuổi học trò; thầy cô, phụ huynh cùng học trò, một dịp ngồi lại bên nhau trong đong đầy cảm xúc, để yêu hơn những ngày qua, và cho những ngày tới đẹp hơn. Trang phục lễ tri ân và trưởng thành, có thể linh hoạt, tùy điều kiện của mỗi lớp, từng phụ huynh, nhưng làm sao không thêm gánh nặng tiền nong cho phụ huynh. Nếu một bộ phận học sinh, phụ huynh lo lắng tiền đâu để thuê, may trang phục, rồi bức bối, buồn phiền, lễ tri ân và trưởng thành đâu còn vui, còn dễ thương, còn cảm xúc được.
Thứ ba, nhà giáo Lê Hoàng cho rằng lứa tuổi học trò dệt nên bao điều cao đẹp khi nữ sinh trong bộ đồ dài, nam sinh quần tây xanh, sơ mi trắng, một vài bộ trang phục lúc hoạt động trải nghiệm. Lễ tri ân và trưởng thành để ghi dấu, để nhớ, để thương thời áo trắng cắp sách đến trường, đâu nhất thiết phải mặc áo vest, để gây nên sự hụt hẫng trong một bộ phận giáo viên, học sinh, phụ huynh…
Học sinh nên mặc vest trong lễ tri ân, trưởng thành hay mặc trang phục gì cho phù hợp?
Nhà giáo, cựu học sinh chia sẻ với Thanh Niên Online những góc nhìn về trang phục trong lễ tri ân, trưởng thành.

Lễ tri ân trưởng thành xúc động tại Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM vừa qua, nam sinh mặc áo sơ mi trắng, nữ sinh mặc áo dài trắng
ẢNH: NGUYỄN HUYÊN
Thầy Phạm Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM nói: “Từ trước tới nay ở Trường THPT Tây Thạnh khi tổ chức chương trình tri ân và trưởng thành thì học sinh chỉ cần mặc bộ đồng phục của trường. Với các em nữ sinh là áo dài, nam sinh là áo đồng phục học sinh, màu trắng. Theo tôi, điều quan trọng trong buổi lễ là nhà trường cần làm sao thiết kế kịch bản và chuẩn bị nội dung sao cho phù hợp với không gian, thời gian và đối tượng tham dự. Kinh phí tổ chức lễ tri ân trưởng thành sao cho tiết kiệm nhất, không phô trương cầu kỳ nhưng cũng không để quá đơn giản, lạc lõng”.
Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM nêu quan điểm: “Trang phục dự lễ cũng là một phần quan trọng nhưng không phải thứ đắt tiền nhất mới là tốt nhất. Theo tôi hãy cân nhắc khả năng tài chính và ưu tiên sự thoải mái, ý nghĩa thực sự của buổi lễ. Lễ tri ân là dịp để học sinh cảm ơn thầy cô, gia đình và nhìn lại quãng thời gian đi học. Và đồng phục học sinh chính là biểu tượng gắn liền với ký ức đó”.

Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hiền mặc áo dài trắng, nam sinh mặc quần tây, áo sơ mi trắng – đồng phục học sinh trong lễ tri ân trưởng thành
ẢNH: P.L.T
“Đồng phục học sinh cũng rất hay và phù hợp với mọi hoàn cảnh gia đình, tránh lãng phí cho những bộ đồ chỉ mặc một lần và tạo sự đoàn kết và bình đẳng. Đồng phục nhắc nhở học sinh về tình bạn, kỷ niệm dưới mái trường. Nếu học sinh thực sự yêu thích và có điều kiện, vest là một lựa chọn tốt thể hiện sự chín chắn, cột mốc của khởi điểm cho hành trình trưởng thành. Nhưng nên linh hoạt để không ai bị áp lực về chi phí”, thầy Phạm Lê Thanh nêu góc nhìn.
Học sinh tại TP.HCM cho biết đa số các trường đều quy định học sinh mặc đồng phục trong lễ ra trường. Như mới đây, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong mặc đồng phục trong lễ ra trường. Trong lễ tri ân, trưởng thành, nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11 mặc áo dài trắng, nam sinh mặc quần tây, áo sơ mi.
Tại lễ tổng kết, lễ ra trường với học sinh lớp 5, Trường tiểu học Trần Khánh Dư, quận 1, các em học sinh lớp 5 mặc áo thụng để chụp hình kỷ niệm cùng thầy cô.

Học sinh lớp 5 mặc áo thụng trong lễ ra trường
ẢNH: THÚY HẰNG
Anh Bùi Long, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM, cho biết vào lễ tri ân trưởng thành, học sinh trường này đều mặc đồng phục. Trước đó, trường cũng tạo điều kiện để học sinh lớp 12 có thể mặc áo thụng để chụp hình kỷ yếu.
Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng ra văn bản, yêu cầu các trường tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cần hướng tới mục đích tri ơn công ơn nuôi dạy của ông bà, cha mẹ, thầy cô đối với sự trưởng thành về mặt tri thức, nhân cách của học sinh, tạo kỷ niệm đẹp sâu sắc cho các em học sinh cuối cấp… Buổi lễ cần diễn ra trong không khí vui tươi, sinh động, đạt được mục tiêu giáo dục nhận thức cho học sinh khi tham gia, nhưng không phô trương, hình thức gây tốn kém.