
Gia đình tôi sống ở New Zealand, con gái tôi từng trải qua giai đoạn nói đan xen tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Cháu dùng tiếng Việt mạch lạc với bà nội, nhưng trò chuyện với tôi bằng cả hai ngôn ngữ đan xen.
Dần dần, cháu phát triển khả năng sử dụng đúng ngôn ngữ với đúng người, đúng ngữ cảnh. Điều đó chứng minh: nếu môi trường đủ hỗ trợ, trẻ không chỉ giữ được tiếng Việt mà còn thêm một cánh cửa bước ra thế giới.
Một chuyện khác, Nam và Lai là sinh viên trong lớp tôi dạy tại một trường đại học – nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giảng dạy và giao tiếp. Cả hai đều theo học chương trình quốc tế từ bậc tiểu học, nhưng trải nghiệm ngôn ngữ của các em lại rất khác nhau.
Trong lớp, cả hai học tốt, thảo luận tự tin bằng tiếng Anh. Nhưng trong một lần tình cờ gặp ở quán cà phê, khi tôi chuyển sang nói tiếng Việt, Nam trò chuyện một cách tự nhiên và thân mật.
Trong khi đó, Lai trở nên trầm lặng, em nghe hiểu nhưng rất ít nói và tỏ ra ngại dùng tiếng mẹ đẻ ngay tại quê hương mình.
Không ít phụ huynh lo ngại viễn cảnh con “mất gốc” như Lai khi cho con học trường quốc tế từ nhỏ. Nhưng cũng có nhiều người hy vọng con mình sẽ như Nam: Thông thạo tiếng Anh, vẫn giữ vững gốc gác tiếng Việt.
Câu chuyện của hai em khiến tôi suy ngẫm. Sau nhiều năm giảng dạy trong môi trường song ngữ, tôi tin rằng việc cho con học tiếng Anh từ nhỏ, kể cả học trường quốc tế, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc đánh mất tiếng Việt.
Trong các lớp tôi từng dạy ở các trường quốc tế ở Việt Nam, những em gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt như Lai là thiểu số. Phần lớn sinh viên có thể giao tiếp song ngữ một cách linh hoạt.
Nhiều nghiên cứu uy tín cũng khẳng định rằng trẻ nhỏ hoàn toàn có khả năng phát triển đồng thời hai ngôn ngữ nếu được hỗ trợ đúng cách.
Theo nhà ngôn ngữ học Werker và Byers-Heinlein (2008), trẻ sơ sinh có thể phân biệt được các hệ thống âm thanh của hai ngôn ngữ và phát triển song song mà không bị nhầm lẫn.
Trẻ em sống tại vùng biên giới Pháp – Đức hay trong hệ thống giáo dục song ngữ của Singapore là minh chứng rõ ràng: Các em vẫn có thể dùng tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh đúng nơi, đúng lúc, đúng người.
Điều quan trọng không phải là “tránh tiếng Anh từ nhỏ”, mà là tạo môi trường nuôi dưỡng cả hai ngôn ngữ, nơi tiếng Việt vẫn có chỗ đứng trong đời sống hàng ngày. Việc trẻ thỉnh thoảng “trộn mã” – như “Con ăn cơm with what, ba?” – không phải là dấu hiệu của rối loạn, mà là biểu hiện linh hoạt tự nhiên của người song ngữ.
Nhà ngôn ngữ học Fred Genesee từng nói rằng hiện tượng này phản ánh sự thành thạo, chứ không phải rối rắm.
Tất nhiên, mỗi đứa trẻ có hành trình riêng. Cùng lớn lên trong một gia đình, có em nói tiếng Việt tốt hơn anh chị mình, dù cùng được cha mẹ hỗ trợ như nhau.
Điều này cho thấy rằng ngoài môi trường, sự đồng hành từ phụ huynh, thầy cô và xã hội, yếu tố cá nhân, như tính cách, sở thích và động lực, cũng đóng vai trò lớn. Nhưng điều đó không nên khiến ta e dè trong việc cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm.
Quan điểm cho rằng học tiếng Anh từ nhỏ sẽ “làm hỏng” tiếng mẹ đẻ là một định kiến không còn phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện đại. Trẻ em song ngữ, theo nhiều nghiên cứu, không chỉ linh hoạt về ngôn ngữ mà còn phát triển vượt trội về tư duy, giải quyết vấn đề, và có tinh thần cởi mở, đa văn hóa. Song ngữ không phải là sự đánh đổi, mà là sự cộng hưởng.
Trong thế giới toàn cầu hóa, tiếng Anh có thể mở ra nhiều cơ hội, nhưng tiếng Việt lại giữ ta gắn bó với cội nguồn.
Song ngữ không phải là sự chọn lựa giữa hai ngôn ngữ, mà là hành trình nuôi dưỡng cả bản sắc lẫn khả năng hội nhập. Và như hành trình của Nam và Lai cho thấy: Không ai giống ai, nhưng với định hướng đúng cùng sự đồng hành từ gia đình, nhà trường và xã hội, mỗi người trẻ đều có thể đi xa trên hành trình song ngữ của riêng mình.
Phạm Hòa Hiệp
(Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học môn tiếng Anh)