Song song với chương trình ký kết đào tạo tiếng Anh miễn phí cho trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 trong chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên, Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên cũng tổ chức chương trình Thủ khoa tư vấn ôn thi và chọn ngành cho học sinh mồ côi vì đại dịch Covid-19.
Chọn ngành có môn không giỏi để thôi thúc bản thân cố gắng
Tại chương trình, để nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, Võ Lập Phúc, thủ khoa toàn quốc khối D14, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, thủ khoa đầu ra ngành Quốc tế học, hiện là chuyên viên ngoại giao nhà nước tại Văn phòng UBND TP.Thủ Đức, đặt nhiều câu hỏi cho các học sinh: “Khi vào đại học, các bạn có hình dung viễn cảnh phải đọc tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh để phục vụ làm tiểu luận khoa học? Và trong thế giới nhiều biến động như hiện nay, các bạn sẽ ngồi ở đâu trên dòng chảy đó? Đã bao giờ các bạn nghĩ mình sẽ có một người bạn nước ngoài để kể cho chúng ta nghe về những gì đang xảy ra ở đất nước của họ?”.

Các thủ khoa và chuyên gia tư vấn cho học sinh về cách học, cách chọn ngành nghề
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Từ đó, Phúc khẳng định kỹ năng tiếng Anh là hết sức quan trọng. “Sẽ có một thời điểm, với tiếng Anh, các bạn sẽ không chỉ gói gọn mình ở giảng đường đại học mà còn để lựa chọn một hành trình trải nghiệm và đa dạng hóa cuộc sống của mình”, Phúc chia sẻ.
Từng học không tốt tiếng Anh, nhưng ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ này nên Ngô Lê Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đã chọn ngành học đòi hỏi kỹ năng tiếng Anh để tự thôi thúc bản thân phải học thật tốt.
Sơ Ni kể: “Khi chọn ngành, đầu tiên phải xem khối mình thi có phù hợp với ngành đó hay không. Mình thi khối A00 và ngành logistics vẫn có liên quan đến việc tính toán nên khi vào học, những kiến thức của khối tự nhiên cũng đã giúp ích cho ngành học rất nhiều. Và đặc biệt, một trong những lý do thôi thúc mình chọn ngành này là vì học logistics cần phải có tiếng Anh. Lúc đó mình khá yếu tiếng Anh, nhưng hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ nên mình cần có sức ép để đưa bản thân vào guồng học”.
Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường
Kể về chặng đường học đại học của mình, anh Nguyễn Tấn Sang, Giám đốc Công ty TNHH WESET English Center, cho biết từng rớt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 ngành mình yêu thích, nên học nguyện vọng 3 ngành luật tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Trong quá trình học, anh Sang nhận ra việc học không chỉ thu nhận kiến thức chuyên môn mà còn là rèn giũa tư duy, kỹ năng mềm, kỹ năng cứng để sau này có thể làm việc. Do đó hiện tại nhiều bạn của anh học luật nhưng ra trường làm ở các ngành nghề khác nhau, như bản thân anh thì làm doanh nghiệp.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp, anh Sang xin vào làm ở ngân hàng. Anh nhớ lại, trong suốt 1 tiếng đồng hồ phỏng vấn, nhà tuyển dụng chỉ xoáy vào cách anh trả lời và phản ứng trước những tình huống được đặt ra, chứ không hề hỏi về kiến thức chuyên môn. Kể câu chuyện của mình, anh Sang muốn chia sẻ rằng nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều về tư duy cũng như cách phản ứng của ứng viên với vấn đề như thế nào.
Nhắn gửi đến các em học sinh mồ côi vì đại dịch Covid-19, anh Sang nói: “Các bạn có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng hãy biến sự mất mát đó thành động lực để cố gắng nhiều hơn. Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”.
Đi lên từ học sinh ở một trường huyện của vùng quê còn nhiều khó khăn, thủ khoa Võ Lập Phúc gửi gắm: “Hãy cứ đi, cứ cố gắng và phấn đấu, rồi các bạn sẽ là những người viết nên những trang đời rất đẹp và rất tuyệt vời, ngay cả khi các bạn đã có những mất mát. Vì luôn có những điểm tựa từ Báo Thanh Niên, từ xã hội và còn nhiều điểm tựa hơn nữa từ chính nỗ lực và khát vọng của tất cả các bạn”.
Thủ khoa Phạm Thị Ngọc Ánh của Học viện Hàng không VN thì nhắn gửi: “Mỗi bạn đều có một hành trình riêng, và hành trình của các bạn lại gặp sự mất mát, nhưng mình tin rằng khi vượt qua, các bạn sẽ rất kiên cường. Mình mong muốn các bạn sẽ biến sự mất mát trở thành động lực, một sự khác biệt để vươn lên. Mình cũng tin rằng sẽ có một ngày các bạn thành công và trở lại để chia sẻ câu chuyện của mình cho thế hệ trẻ sau này”.