Trung Quốc duyệt thêm gần 1.000 mã số sầu riêng của Việt Nam

Trung Quốc duyệt thêm gần 1.000 mã số sầu riêng của Việt Nam

bởi

trong

GACC vừa duyệt thêm 829 mã vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số cấp phép lên hơn 1.800 mã.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), động thái này mở rộng cánh cửa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, đồng thời ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Trước đó, sau khi Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng được ký ngày 11/7/2022, phía Việt Nam đã gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói, trong đó 708 vùng trồng và 168 cơ sở đã được duyệt. Một số đơn vị bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tạm dừng do vi phạm quy định xuất khẩu.





Trung Quốc duyệt thêm gần 1.000 mã số sầu riêng của Việt Nam

Thu hoạch sầu riêng nghịch vụ tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo doanh nghiệp tiếp tục tuân thủ quy trình đã đăng ký, duy trì chất lượng và kiểm dịch nghiêm ngặt để đảm bảo tính bền vững. Hiện, cả nước có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đủ điều kiện xét nghiệm phục vụ xuất khẩu sầu riêng.

Trước cảnh báo từ Trung Quốc về tồn dư Cadimi và vàng O – những hợp chất có nguy cơ gây ung thư trong sầu riêng Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp đề xuất nhà chức trách tại vườn, siết chặt kiểm soát phân bón lậu và cải tạo đất, nhằm thúc đẩy thông quan nhanh hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa và nhóm chuyên gia đang thử nghiệm xử lý đất nhiễm Cadimi tại Cai Lậy (Tiền Giang), Đăk Song và Gia Nghĩa (Đăk Nông). Giải pháp gồm sử dụng chất hấp thụ kim loại nặng, kiểm soát phân bón và quy trình canh tác. Kết quả kiểm nghiệm sẽ là cơ sở chứng minh khả năng làm sạch đất, đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cơ quan này đang phối hợp địa phương xây dựng các giải pháp ngắn và dài hạn. Trước mắt, nhà chức trách ưu tiên cải tạo đất bằng cách nâng pH với vôi hoặc chất cải tạo phù hợp, sử dụng chất kết tủa hoặc cây hấp thu Cadimi. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng cây ngắn ngày có sinh khối cao để phục hồi đất và hạn chế canh tác chính thức trong giai đoạn nhạy cảm.

Về lâu dài, giải pháp cốt lõi là thay đổi thói quen sử dụng phân bón, tăng cường tập huấn kỹ thuật để nông dân dùng đúng loại, đúng liều lượng, hạn chế tích tụ chất độc hại trong đất và sản phẩm.

Thi Hà