Trung tâm tài chính quốc tế: Những yếu tố làm nên lợi thế cạnh tranh

Trung tâm tài chính quốc tế: Những yếu tố làm nên lợi thế cạnh tranh

bởi

trong

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ngừng biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là hết sức cấp thiết để góp phần giúp Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Nhìn vào các quốc gia phát triển hay các “con rồng châu Á”, có thể thấy: không một nền kinh tế vững mạnh nào lại thiếu một hệ thống tài chính hiện đại và đẳng cấp. Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn toàn cầu mà còn là động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và tạo ra chuỗi giá trị kinh tế mới.

Mục tiêu tăng trưởng 10%/năm đòi hỏi lượng vốn rất lớn. Trong khi đó, dư nợ tín dụng/GDP tính đến cuối năm 2024 đã lên tới 134%, do vậy nếu tiếp tục dựa vào nguồn vốn ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Chúng ta cần mở rộng “cánh cửa vốn” ra thị trường quốc tế thông qua việc hình thành một trung tâm tài chính đa năng, hiện đại.

Định hướng của Việt Nam thể hiện qua nghị quyết Quốc hội đang xem xét ban hành là hình thành trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM và Đà Nẵng. Trung tâm này được kỳ vọng không chỉ  huy động vốn cho các doanh nghiệp nội địa mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trong khu vực. Đây là định chế tạo ra cơ hội cùng thắng (win-win), thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn trên thế giới và trong khu vực tới Việt Nam kiếm tìm lợi nhuận. Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế lớn đã thể hiện sự quan tâm đến dự án này của Việt Nam để đóng vai trò nhà đầu tư cũng như trở thành một thành viên của Trung tâm.

Hôm 24/6, trong chương trình công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của diễn đàn kinh tế thế giới ở Thiên Tân (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã hoan nghênh mong muốn của BOC trong việc đóng góp vào quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Cho biết chính sách về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ rất thông thoáng, Thủ tướng đề nghị BOC chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối các đối tác, nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính để cùng tham gia xây dựng, vận hành và phát triển trung tâm này.

Trung tâm tài chính quốc tế: Những yếu tố làm nên lợi thế cạnh tranh

Đại lộ Võ Văn Kiệt, TPHCM về đêm (Ảnh: Nam Anh).

Nhìn chung, kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam đưa ra tại thời điểm này có nhiều thuận lợi. Yếu tố trước hết và quyết định chính là tầm nhìn và quyết tâm của các cấp có thẩm quyền trong việc phát huy lợi thế cạnh tranh của một nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt, ổn định vĩ mô, để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, giúp Việt Nam kết nối và tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư thế giới.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam khi được thông qua sẽ tạo khung pháp lý nhằm xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội không chỉ so với các quy định hiện hành của Việt Nam mà còn so với mặt bằng chung thế giới, qua đó đáp ứng nhu cầu của các định chế tài chính, nhà đầu tư quốc tế và thu hút các nguồn vốn mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam và đặc biệt là TPHCM đang có uy tín tốt trong khu vực Đông Nam Á về ổn định tài chính và xuất phát điểm, các điều kiện để xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế của chúng ta  không phải thấp.

Có thể thấy, hiện tại, nhiều ngân hàng trong nước đang chuyển mình trở thành những ngân hàng lớn trong khu vực và hướng tới xây dựng thành tập đoàn tài chính. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) rất tốt. Đặc biệt là chi phí hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam cũng tương đối rẻ hơn so với các trung tâm tài chính quốc tế cùng khu vực như Singapore hay Dubai.

Bên cạnh đó, thông thường các trung tâm tài chính quốc tế sẽ đi kèm với cảng trung chuyển quốc tế (cảng biển và cảng hàng không). Lợi thế của Việt Nam sau khi sáp nhập Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM thì đây sẽ là siêu đô thị có cụm cảng Cái Mép – Thị Vải kết hợp với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, kỳ vọng trở thành siêu cảng hàng đầu khu vực. Lượng hàng hóa vận chuyển qua 2 cụm cảng này có thể ngang ngửa, thậm chí vượt qua Singapore.

Lợi thế thứ hai là trong mối liên kết vùng, TPHCM cũng gần sân bay Long Thành, dự kiến cũng sẽ là cảng trung chuyển hàng không quốc tế hàng đầu Đông Nam Á.

Những điều kiện này chính là “bàn đạp” để TPHCM phát triển trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, một trong những vấn đề đặt ra cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là chu chuyển dòng vốn, hay còn gọi là sự dịch chuyển tự do của dòng vốn. Thế giới từng chứng kiến dòng vốn dịch chuyển trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Do vậy, khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì cơ quan quản lý sẽ cần phải tính toán, dự phòng kỹ lưỡng để ứng phó với những trường hợp rủi ro có thể xảy ra.

Về yếu tố con người, theo quan sát của tôi, trình độ nguồn nhân lực đáp ứng cho việc xây dựng, vận hành trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ và có “độ chín” nhất định. Hơn nữa, với lợi thế là người đi sau, chúng ta có thể học hỏi, rút kinh nghiệm từ những trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Thời gian để xây dựng và hoàn thiện một trung tâm tài chính quốc tế phụ thuộc vào tiềm lực của mỗi quốc gia. Chẳng hạn thời gian để Hồng Kông (Trung Quốc) trở thành trung tâm tài chính quốc tế phải mất hàng chục năm, nhưng với lợi thế mà Hồng Kông mang lại, Thượng Hải chỉ mất vài năm. Singapore là 5 năm và Dubai thì nhanh hơn.

Việt Nam dự kiến xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở 2 thành phố là TPHCM và Đà Nẵng. Theo đó, Chính phủ cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các tiêu chuẩn, chuẩn mực của thế giới.

Phát biểu trước Quốc hội hôm 20/6, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho hay, công tác chuẩn bị về không gian phát triển và hạ tầng kỹ thuật đang được triển khai đồng bộ. Cụ thể, tại TP Đà Nẵng dự kiến khoảng 350 ha, TPHCM khoảng hơn 600 ha. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ ý định đến 2 thành phố này để xây dựng các dự án liên quan.

Chúng ta kỳ vọng những yếu tố nêu trên sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh của trung tâm tài chính ở Việt Nam.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Huân là Giám đốc chương trình đào tạo Thị trường chứng khoán, Đại học Kinh tế TPHCM. Ông là chuyên gia tư vấn cấp cao trong lĩnh vực kinh tế – tài chính cho các tỉnh, thành phố và các bộ ban ngành trên cả nước. Ngoài ra ông còn tư vấn cho một số dự án về công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam; đồng thời là nhà sáng lập của một công ty về trí tuệ nhân tạo tại Singapore và Việt Nam – Promete.AI và 1 công ty fintech trong lĩnh vực đầu tư – Công ty cổ phần công nghệ Finbot.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!