Dù vậy, những con số nói trên được đánh giá là chưa phản ánh đúng thực tế về quy mô lưu hành và tác động của đại dịch Covid-19. Trong số này, VN đã báo cáo có tổng cộng 11,6 triệu ca mắc được xác nhận và hơn 43.000 ca tử vong.
Cần đảm bảo có đủ vắc xin cho nhóm nguy cơ cao
Về xu hướng dịch bệnh và nguy cơ ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào VN, trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại VN, cho biết trong khi vi rút gây bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục lưu hành, chúng ta có thể thấy các ca bệnh hoặc chùm ca bệnh, số ca nhập viện và tử vong ở các quốc gia khác nhau.
“Vì những lý do này, WHO khuyến cáo các quốc gia duy trì giám sát các bệnh về đường hô hấp bao gồm cả Covid-19 và theo dõi tác động của Covid-19 đối với hệ thống y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe. Điều quan trọng là phải duy trì cảnh báo sớm, giám sát và báo cáo; xác định và theo dõi các biến thể; cung cấp dịch vụ chăm sóc lâm sàng sớm; đảm bảo có đủ vắc xin cho các nhóm nguy cơ cao; cải thiện thông khí; thường xuyên truyền thông cho người dân; chia sẻ dữ liệu kịp thời và minh bạch với WHO để hỗ trợ các nỗ lực y tế công cộng toàn cầu”, tiến sĩ Angela Pratt nói.

WHO khuyến nghị các quốc gia tiếp tục cung cấp vắc xin Covid-19 cho nhóm nguy cơ cao
ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Trưởng đại diện WHO nhấn mạnh, mọi người đều có thể bảo vệ bản thân, người thân và những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng khỏi Covid-19 và các bệnh về đường hô hấp khác bằng cách tuân thủ khuyến nghị về tiêm chủng của cán bộ y tế, ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác khi có các triệu chứng như ho, tăng cường thông gió trong nhà bằng cách mở cửa sổ, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và thông gió kém, thực hiện vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên và che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi.
SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh Covid-19, vẫn đang tiếp tục lưu hành trên toàn cầu vào mọi thời điểm trong năm. Nó có thể gây bệnh ở các mức độ khác nhau, từ không có triệu chứng đến bệnh nhẹ, vừa hoặc nặng, bao gồm cả tử vong. Nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất ở người cao tuổi và người có bệnh nền. Một số quốc gia ở Bắc bán cầu hiện đang báo cáo nhiều ca mắc hơn.
WHO đánh giá, trong năm 2025, tác động của Covid-19 đối với cuộc sống có thể ít hơn so với những năm trước, nhưng nó vẫn tiếp tục lây lan rộng ở mọi nơi trên thế giới và gây ra những nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng.
Trước làn sóng Covid-19 ở châu Á: Khuyến nghị của WHO tại Việt Nam
Sự biến đổi của SARS-CoV-2
Theo tiến sĩ Angela Pratt, tất cả các loại vi rút, bao gồm SARS-CoV-2, đều biến đổi và tiến hóa theo thời gian. Hầu hết những thay đổi này ít hoặc không ảnh hưởng đến đặc tính của vi rút. Nhưng đôi lúc, các biến đổi có thể ảnh hưởng đáng kể đến các yếu tố như khả năng lây lan của vi rút, mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả của vắc xin, phương pháp điều trị, xét nghiệm hoặc các biện pháp y tế công cộng khác.
Từ tháng 1.2022, Omicron – biến thể cuối cùng được xác định là “biến thể đáng quan ngại” – đã đa dạng hóa đáng kể, với các biến thể cùng dòng tạo ra hầu hết các biến thể hiện đang lưu hành. Các biến thể này lây truyền dễ dàng hơn nhưng dường như gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, đặc biệt là bên cạnh các bệnh lưu hành khác, WHO khuyến nghị các quốc gia tiếp tục cung cấp vắc xin Covid-19 cho nhóm có nguy cơ cao và trung bình mà không làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng khác.
SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh thông qua các giọt bắn nước bọt khi người bệnh ho, hắt hơi, nói, hát, thở… Vi rút lây lan dễ dàng hơn ở các không gian kín thông gió kém và/hoặc đông đúc, đồng thời cũng có thể lây truyền khi một người chạm tay vào mắt, mũi, miệng sau khi chạm tay vào bề mặt hoặc đồ vật bị dính các giọt bắn nước bọt có chứa vi rút.