
Thanh tra Bộ GD-ĐT đã lập biên bản vi phạm hành chính Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM về hành vi đào tạo trình độ ĐH chính quy tại tỉnh Lâm Đồng và TP.Cần Thơ khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép thành lập và hoạt động phân hiệu theo quy định
ảnh: uah
Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra về hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ giáo dục ĐH đối với Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT chỉ ra hạn chế, thiếu sót của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trong việc ban hành văn bản theo thẩm quyền trường và thực hiện trách nhiệm của hội đồng trường trong công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, trước thời điểm tháng 3.2023, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chưa ban hành quy chế thi tuyển sinh riêng theo quy định mà ghép chung trong quy chế tuyển sinh. Quy định về điều kiện dự tuyển thạc sĩ cũng mở rộng hơn quy định chung. Quyết định về việc biên soạn lựa chọn, thẩm định phê duyệt sử dụng giáo trình tài liệu chưa quy định rõ về cấu trúc, nội dung của giáo trình theo quy định.
Hội đồng trường chưa có ý kiến với việc tuyển sinh trình độ sau ĐH năm 2022, 2023. Năm 2023, thông qua phương án và chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH chính quy nhưng chưa có nội dung với hình thức đào tạo vừa làm vừa học, liên thông vừa làm vừa học, liên kết đào tạo.
Tổ chức tuyển sinh 70 chỉ tiêu trong khi năng lực đào tạo chỉ đạt 28,5
Đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 đều không được ban hành kèm theo quyết định của hiệu trưởng. Việc xác định năng lực đào tạo trong đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 có thiếu sót, dẫn đến những sai lệch về số liệu khi đánh giá kết quả thực hiện tuyển sinh (kết quả tuyển sinh nếu tính theo chỉ tiêu công bố trong đề án tuyển sinh đều vượt chỉ tiêu, trường chỉ không vượt chỉ tiêu khi tính toán, giải trình lại số liệu để xác định năng lực đào tạo).
Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm về xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh. Trường xác định chỉ tiêu liên thông hệ vừa làm vừa học trình độ ĐH năm 2022, 2023 đối với ngành kỹ thuật xây dựng là 70 chỉ tiêu, trong khi chỉ tiêu xác định theo năng lực đào tạo là 28,5. Điều này vi phạm quy định tại khoản 1 điều 5 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg ngày 31.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hành vi này cũng vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22.1.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh đó, đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 thiếu thông tin về các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo theo điểm d khoản 2 điều 11 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT. Quy định về chính sách ưu tiên “thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT” trong đề án tuyển sinh năm 2023 là chưa rõ ràng, chưa cụ thể hóa các nội dung ưu tiên của bộ vào đề án tuyển sinh và công bố cho thí sinh.
Trường xây dựng đề án tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu năm 2022, 2023 nhưng chưa công bố trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời chưa gửi về Bộ Xây dựng và Bộ GD-ĐT để báo cáo theo quy định. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các kỳ thi tuyển sinh (thi năng khiếu trình độ ĐH, thi tuyển sinh thạc sĩ), trường mới chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra chuẩn bị thi, coi thi, chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi, thanh tra việc chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện của hội đồng thi, thanh tra công tác chuẩn bị xét tuyển, xét tuyển theo quy định; chưa bám sát và thực hiện tốt nội dung chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Sử dụng điểm tiếng Anh do trường tự tổ chức để tuyển sinh liên kết đào tạo nước ngoài
Việc tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài năm 2022, 2023 cũng có những vi phạm. Quy định ngưỡng đầu vào tiếng Anh thông qua kỳ kiểm tra tiếng Anh đầu vào do trường tự tổ chức, đồng thời quy chế tuyển sinh và thông báo tuyển sinh có quy định đối tượng và điều kiện dự thi/xét tuyển sinh được thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào khi chưa có chứng chỉ tiếng Anh theo quy định – không phù hợp với quy định chung. Trường sử dụng kết quả kiểm tra tiếng Anh do trường tổ chức để tuyển 17 sinh viên (năm 2022) và 13 sinh viên (năm 2023) là không thực hiện đúng quy định “đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương” tại điểm d khoản 3 điều 16 Nghị định 86 của Chính phủ và điểm b khoản 1 điều 2 Quyết định 1393 của Bộ GD-ĐT.
Thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2022 của trường chưa nêu rõ chỉ tiêu tuyển sinh theo chương trình đào tạo, hình thức đào tạo và chưa cụ thể thông tin về mức học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình từng năm học, cả khóa học theo quy định…
Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi đào tạo trình độ ĐH chính quy tại tỉnh Lâm Đồng và TP.Cần Thơ – địa điểm khác nơi đặt trụ sở chính (TP.HCM) – khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép thành lập và hoạt động phân hiệu theo quy định. Chánh thanh tra đã ban hành quyết định ngày 14.5 xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giáo dục đối với hành vi vi phạm hành chính nêu trên.
Những kiến nghị từ Thanh tra Bộ GD-ĐT
Về biện pháp xử lý, Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản có nội dung chưa đầy đủ, chưa cụ thể hoặc không phù hợp, vi phạm quy định hiện hành được nêu trong kết luận.
Đồng thời, khắc phục ngay trong năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo những thiếu sót, vi phạm trong việc xây dựng đề án tuyển sinh trình độ ĐH, thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ thiếu thông tin…
Rà soát việc xác định năng lực đào tạo trong đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 có thiếu sót, vi phạm không đúng với năng lực đào tạo của trường. Từ năm học 2024-2025 trở đi chấm dứt việc xác định năng lực đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong đề án tuyển sinh và công bố thấp hơn thực tế, dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu năng lực đã công bố trong đề án tuyển sinh.
Kết luận thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chấm dứt ngay việc tổ chức và sử dụng kết quả kiểm tra tiếng Anh do trường tổ chức để tuyển sinh đào tạo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định…