
Không gian phát triển mở rộng sau sáp nhập cùng kết nối liên vùng giúp TP.HCM có thêm lợi thế để bứt phá – Ảnh: VĂN TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trương Minh Huy Vũ – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – chia sẻ rõ hơn các chiến lược, tầm nhìn và đột phá sẽ được triển khai nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM.
Ông Vũ cho hay TP.HCM mới là một mô hình chưa từng có trong lịch sử quy hoạch và phát triển đô thị của Việt Nam.
Việc tổ chức lại không gian phát triển, thiết lập mô hình kinh tế đa cực và phát triển bền vững không chỉ là một bài toán kỹ thuật, mà còn bao hàm một tầm nhìn chính trị và quyết tâm cải cách thể chế mạnh mẽ.
Quy hoạch đủ tầm dẫn dắt phát triển đô thị đa trung tâm
* Sau sáp nhập với ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM mới sẽ được định vị như thế nào trong bản đồ đô thị và kinh tế Việt Nam cũng như khu vực?
– Sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu không đơn thuần là mở rộng địa giới hành chính. Đây là bước đi chiến lược để hình thành một siêu đô thị tích hợp với năng lực kinh tế tổng hợp, định hướng trở thành TP toàn cầu của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
TP.HCM mới ước tính GRDP khoảng 2,717 triệu tỉ đồng, chiếm tới 24% GDP quốc gia, đóng vai trò “đầu tàu tăng trưởng” của cả nước. Điều đáng nói, hiện cả ba địa phương đều đã có quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nhưng mỗi nơi có một cấu trúc kinh tế và định hướng riêng:
TP.HCM là trung tâm tài chính – dịch vụ, Bình Dương là trung tâm công nghiệp, còn Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung vào kinh tế biển và du lịch. Vấn đề đặt ra, trên nền tảng ba đặc điểm cốt lõi nói trên tích hợp để hình thành một không gian phát triển mới.
* Vậy TP.HCM mới đối diện những cơ hội và thách thức gì trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội?
– Trong bối cảnh quy hoạch kinh tế – xã hội và quy hoạch chung của ba địa phương đều đã được duyệt, với những định hướng, ưu tiên khác nhau, nếu không tích hợp khéo léo, nguy cơ “mạnh ai nấy phát triển” sẽ dẫn đến cạnh tranh nội vùng, chồng chéo đầu tư, lãng phí nguồn lực xã hội.
TP.HCM mới cần một bản quy hoạch tích hợp, đủ tầm chiến lược để dẫn dắt phát triển đô thị đa trung tâm, đồng thời đảm bảo không bị gián đoạn trong đầu tư công, kinh tế – xã hội và hành chính khi chuyển tiếp.
Trách nhiệm lập quy hoạch tích hợp này được chủ tịch UBND TP.HCM giao cho các cơ quan tham mưu để triển khai, và chúng tôi xem đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong thời gian tới.
Tái cấu trúc theo không gian đô thị tích hợp
* TP.HCM sẽ điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt của ba địa phương ra sao để tránh chồng chéo và đảm bảo chiến lược phát triển thống nhất?
– Bản quy hoạch tích hợp của TP.HCM mới có thể xây dựng trên cơ sở kế thừa và hợp nhất các quy hoạch đã được phê duyệt trước đây: quy hoạch TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; cùng với quy hoạch chung đô thị tương ứng đã được thông qua.
Có một số nguyên tắc cần được nhấn mạnh trong giai đoạn tới như “không tạo ra khoảng trống pháp lý” (các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt vẫn giữ nguyên hiệu lực cho đến khi được điều chỉnh) hay “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” (TP.HCM cần được phân cấp, ủy quyền lập và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch).
Quy hoạch điều chỉnh sẽ bám sát các định hướng chiến lược đã có, nhưng tái cấu trúc theo không gian đô thị tích hợp, lấy phát triển bền vững, kết nối liên vùng và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới làm tiêu chí xuyên suốt.

Ông Trương Minh Huy Vũ
* Cụ thể quy hoạch tích hợp của TP.HCM mới nên được hình dung như thế nào, thưa ông?
– Chúng tôi xác định rõ bản quy hoạch mới cần kế thừa, điều chỉnh và tích hợp từ ba quy hoạch tỉnh hiện tại, tạo ra một “siêu đô thị toàn cầu” chứ không chỉ là phép cộng địa lý.
Theo đó, phương châm “1 không gian – 3 khu vực chức năng” đã được chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh với một đô thị đa trung tâm, cùng với các đô thị vệ tinh, hỗ trợ xung quanh như: trung tâm tài chính – công nghệ đặt tại lõi đô thị cũ; hệ thống các đô thị vệ tinh tại Củ Chi, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Dĩ An, Vũng Tàu…; và khu vực phụ trợ hỗ trợ công nghiệp – logistics – du lịch ven biển.
Đây là cấu trúc giúp phát triển hiệu quả, phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh cạnh tranh nội vùng gây lãng phí. Tiếp cận này không chỉ tổ chức không gian mà nhằm phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư, tránh trùng lặp, tăng cường kết nối vùng và phát huy thế mạnh từng khu vực.
3 trụ cột, 5 khu vực trọng điểm
* Vậy đâu là các trụ cột chiến lược phát triển kinh tế – xã hội để TP.HCM mới trở thành siêu đô thị tầm vóc quốc tế?
– Các động lực tăng trưởng được hình thành từ ba trụ cột chính, đó là: công nghiệp công nghệ cao – sản xuất thông minh, dịch vụ tài chính và công nghệ quốc tế, kinh tế biển với các cụm cảng nước sâu và logistics hiện đại.
Các động lực này phải được hỗ trợ đồng bộ từ hạ tầng vật lý đến hạ tầng số, tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Các trụ cột trên còn được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển giáo dục bậc cao và nghiên cứu sáng tạo gắn liền với phát triển đô thị và phát triển kinh tế theo mô hình đô thị sáng tạo, dựa vào “cộng sinh tri thức”.
Trong khu đô thị trung tâm hiện có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao nhưng sự tham gia và liên kết hữu cơ với sự phát triển đô thị và nền kinh tế tri thức chưa thực sự rõ rệt.
Mô hình “đô thị đại học” (University City) cần được phát huy trong không gian phát triển của TP.HCM mới để thúc đẩy nền kinh tế tri thức và tạo động lực đô thị hóa chất lượng cao gắn với dịch vụ, giáo dục và công nghệ.
Mô hình đô thị đại học có thể được áp dụng ở TP.HCM mới với hình thái tập trung hoặc xen kẽ trong từng lõi các khu đô thị.
Dựa trên ba trụ cột nêu trên, hình thành 5 khu vực phát triển kinh tế tập trung, bao gồm: khu vực sản xuất công nghiệp, gắn với đô thị (tập trung tại các phường, xã thuộc tỉnh Bình Dương trước đây); khu vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú, phường Đông Hòa, phường Bình Dương và xã Nhà Bè);
Khu vực trung tâm tài chính – công nghệ (phường Sài Gòn và phường Thủ Thiêm); khu vực công nghiệp chuyên sâu, logistics, khu mậu dịch thương mại tự do gắn với cụm cảng trung chuyển Cái Mép – Cần Giờ (phường Phú Mỹ, phường Tân Phước và phường Long Sơn, xã Cần Giờ) và khu vực du lịch, đô thị sinh thái biển và hải đảo (phường Vũng Tàu, phường Tam Thắng, phường Phước Thắng, xã Phước Hải, xã Hồ Tràm, xã Cần Giờ và đặc khu Côn Đảo).

Đô thị vệ tinh Vũng Tàu sẽ được định hướng phát triển thành khu vực phụ trợ hỗ trợ công nghiệp – logistics -du lịch ven biển – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Không gian mới, động lực mới cho tăng trưởng
Kinh tế TP.HCM đang cho thấy những tín hiệu hồi phục rõ rệt với mức tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,82%, mức cao nhất kể từ sau đại dịch.
Khi tính thêm dữ liệu sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, mức tăng đạt 7,49%. Tuy nhiên để đạt mục tiêu cả năm 8,5%, TP cần duy trì đà tăng trưởng trên 10% trong hai quý còn lại một thách thức không nhỏ.
TS Trương Minh Huy Vũ nhận định việc đàm phán thuế đối ứng với Mỹ diễn biến tích cực điểm sáng đáng chú ý. So với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc (55%), Thái Lan và Bangladesh (đều 37%), Việt Nam vẫn giữ được lợi thế “đi trước”.
Tuy nhiên, quy định mức thuế cao với hàng trung chuyển sẽ buộc doanh nghiệp phải sản xuất thực tại Việt Nam, tránh hiện tượng “mượn đường”.
Ở chiều ngược lại, mức thuế nhập khẩu thấp với hàng hóa Mỹ mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ và sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý, song cũng đặt ra bài toán cân bằng thương mại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Trước bối cảnh mới, theo ông Vũ, TP.HCM cần làm mới các trụ cột truyền thống – đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, xanh, sáng tạo, kinh tế ban đêm…
Dịch vụ tiếp tục là đầu kéo tăng trưởng với mức tăng 8,58%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 654.000 tỉ đồng, tăng 15,8%; doanh thu du lịch tăng 27,3%. Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước dự kiến sẽ tạo cú hích lớn cho du lịch – dịch vụ. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công đạt 37,1% kế hoạch, với hàng loạt dự án ưu tiên đang được “mở luồng” tháo gỡ.
Việc mở rộng không gian phát triển sau sáp nhập, kết hợp với hạ tầng liên vùng, từ metro, cao tốc, đường vành đai đến giao thông thủy – đang tạo thế và lực mới cho TP.HCM. TP cũng đang chuẩn bị các định chế chiến lược như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm dữ liệu lớn, đô thị vệ tinh, năng lượng tái tạo, kinh tế biển và các khu phức hợp du lịch.
“Không gian mở rộng đang tạo ra tiềm lực mới. TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với nền tảng vững chắc để tăng tốc, hội nhập và cạnh tranh bền vững trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động”, ông Vũ nhấn mạnh.
TP.HCM lên lộ trình quy hoạch tích hợp đến 2050
Ngay sau chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã trình phương án tổ chức nghiên cứu quy hoạch tích hợp theo hai giai đoạn.
Trước mắt, mục tiêu đến năm 2025 là hoàn tất báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó tập trung xác định các chiến lược và danh mục dự án ưu tiên. Đồng thời, TP sẽ chuẩn bị quy hoạch giai đoạn sau 2030, hướng đến phê duyệt sớm nhất trước năm 2030.
Viện đề xuất phối hợp với các trường, viện nghiên cứu và công ty tư vấn quốc tế để xây dựng các chuyên đề chiến lược, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Quy hoạch tích hợp mới không chỉ định hình tương lai TP.HCM mở rộng mà còn đóng vai trò đầu tàu trong liên kết vùng, quốc gia và khu vực.