
Sản xuất điện thoại Samsung tại Việt Nam – Ảnh: Q.KH
Đặt vấn đề hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hiểu như thế nào, bà Trịnh Thị Thu Hiền – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – dẫn trường hợp của Samsung là thương hiệu Hàn Quốc, nhưng đặt nhà máy gia công tại Việt Nam, có nghĩa rõ ràng đây là sản phẩm điện thoại của Hàn Quốc, chứ không phải điện thoại của Việt Nam.
Thương hiệu Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam thì xuất xứ ở đâu?
“Câu hỏi đặt ra là điện thoại Samsung có xuất xứ Việt Nam không?”, bà Hiền nêu vấn đề là nếu xét quy định liên quan tới bộ tiêu chí xuất xứ mà Việt Nam tham gia trong các khuôn khổ hiệp định thương mại tự do, điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam từ những linh kiện được sản xuất tại Việt Nam hoặc linh kiện nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau khi trải qua quá trình gia công, chế biến đầy đủ tại Việt Nam đã làm biến đổi bản chất những linh kiện đó thành sản phẩm điện thoại cuối cùng.
Do đó, nơi làm ra sự thay đổi về mặt bản chất như vậy được xác định là nơi xuất xứ của hàng hóa.
Từ câu chuyện của Samsung, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần phân biệt rõ khái niệm hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam, có giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam theo các khuôn khổ hiệp định mà Việt Nam tham gia, với các khái niệm ghi nhãn “Made in Vietnam”, “Product of Vietnam” hay các khái niệm liên quan đến việc là hàng Việt Nam hay hàng Hàn Quốc.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, quy định thế nào là một sản phẩm được coi là có xuất xứ tại Việt Nam, song chỉ áp dụng cho hàng xuất, nhập khẩu mà chưa có cơ sở pháp lý đối với hàng lưu thông trong nước. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Xác định sáu tiêu chí xuất xứ
Từ thực tiễn đó, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay bộ tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dự kiến sẽ dựa trên hàm lượng giá trị, công đoạn sản xuất chính phải thực hiện tại Việt Nam.
Cụ thể, thứ nhất là xuất xứ thuần túy gồm các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, khai khoáng, đánh bắt, tái chế… được tạo ra hoàn toàn tại Việt Nam.
Thứ hai là sản xuất từ nguyên liệu Việt Nam gồm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam.
Thứ ba là gia công, chế biến làm thay đổi cơ bản: Sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nhưng nếu công đoạn cuối tại Việt Nam làm thay đổi mã số hải quan – mã HS hoặc đạt tỉ lệ giá trị Việt Nam (VVC) theo quy định.
Thứ tư là không chấp nhận công đoạn gia công, chế biến đơn giản: ví dụ đóng gói, dán nhãn, lắp ráp đơn giản, trộn đơn giản…
Thứ năm là nguyên liệu không đáp ứng CTC nhưng vẫn được coi là hàng Việt nếu giá trị nguyên liệu không có xuất xứ bé hơn hoặc bằng 15% giá xuất xưởng.
Thứ sáu là các yếu tố không cần xét đến: các yếu tố không tính vào xuất xứ hàng hóa như nhiên liệu, chất xúc tác, dụng cụ thử nghiệm, đồng phục, thiết bị an toàn…
Dù vậy, bà Bùi Thị Thùy Dương – Ban Quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) – cho rằng việc xây dựng tiêu chí xác định hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” là rất cần thiết, nhưng cần được thiết kế linh hoạt, có lộ trình, phân loại theo nhóm ngành hoặc rủi ro và tham vấn ý kiến rộng rãi.
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn, trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn, không xuất xứ đang ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, vi phạm nghiêm trọng hình ảnh và uy tín sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Vì vậy, bộ tiêu chí nhằm hoàn thiện khung pháp lý về xuất xứ hàng hóa đối với hàng lưu thông trong nước, là căn cứ để các doanh nghiệp xác định hàm lượng và tình trạng xuất xứ của hàng hóa khi đưa ra lưu thông trên thị trường; giảm tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, gia tăng niềm tin vào hàng Việt Nam.