Tư dinh của gia tộc phú thương giàu có bậc nhất nhà Thanh

Tư dinh của gia tộc phú thương giàu có bậc nhất nhà Thanh

bởi

trong

Trung QuốcKiều gia đại viện là quần thể kiến trúc rộng hơn 8.700 m2, nơi ở của nhà họ Kiều, gia tộc thương nhân giàu có nổi tiếng nhà Thanh.

Kiều gia đại viện tọa lạc tại huyện Kỳ, thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, nằm trên diện tích hơn 8.700 m2 với diện tích xây dựng gần 3.900 m2 gồm 6 sân lớn, 20 sân nhỏ và 313 phòng.

Khuôn viên thiết kế theo hình chữ “Hỉ” (喜), chia thành ba khu vực chính: tiền viện, trung viện và hậu viện. Tiền viện dùng để tiếp khách, trung viện là nơi sinh sống của các thành viên trong gia đình còn hậu viện là khu vực dành cho nô bộc và lưu trữ đồ đạc.





Tư dinh của gia tộc phú thương giàu có bậc nhất nhà Thanh

Kiều gia đại viện nhìn từ trên cao. Ảnh: VCG

Quần thể này có ba mặt tiếp giáp với đường phố, tường vây xây bằng gạch cao hơn 10 m. Thiết kế và kỹ thuật xây dựng của Kiều gia đại viện thể hiện rõ nét phong cách kiến trúc của nhà dân triều Thanh, mang giá trị thẩm mỹ, nghiên cứu khoa học và lịch sử cao. Các chuyên gia và học giả ca ngợi Kiều gia đại viện là “viên ngọc quý của kiến trúc dân gian phương Bắc”, hay “Hoàng gia có Tử Cấm Thành, dân gian có nhà họ Kiều”.

Cổng chính của Kiều gia đại viện hướng về phía đông, phía trên là một tòa lầu lớn. Chính giữa tòa lầu treo một tấm biển do Từ Hi Thái hậu ban tặng, trên biển khắc 4 chữ lớn: “Phúc Chủng Lang Hoàn” (gieo phúc khí vào nơi tiên cảnh).

Hai cánh cổng sơn màu đen được trang trí bằng một đôi vòng đồng lớn hình thú giao long (hay còn gọi là thuồng luồng, loài thủy quái có hình dáng gần giống con rồng), cùng với một đôi câu đối bằng đồng khắc chữ: “Con cháu hiền tài, gia tộc hưng thịnh; Anh em hòa thuận, gia đình giàu có”.





Tấm bia đá hình chữ Phúc, hai bên là câu đối viết về triết lý kinh doanh của gia tộc họ Kiều, đặt trước cổng chính vào đại viện. Ảnh: VCG

Tòa lầu có tấm biển màu xanh đề 4 chữ “Phúc Chủng Lang Hoàn” do Từ Hi Thái Hậu ban tặng tại cổng chính vào đại viện. Ảnh: VCG

Đối diện với cổng chính là một bức tường bình phong hình “Bách Thọ Đồ” (một trăm chữ “thọ”) bằng gạch. “Bách Thọ Đồ” do học giả kiêm nhà thư pháp nổi tiếng Thường Tán Xuân, cháu rể của gia chủ Kiều Trí Dung, viết.

Hai bên bức tường bình phong là câu đối kiểu chữ triện do đại thần nhà Thanh Tả Tông Đường tặng: Giảm bớt dục vọng để thuận theo lẽ trời, tích lũy đạo đức để viết nên văn chương. Phía trên câu đối là hai chữ “Lý Hòa”, nghĩa là luôn hành xử một cách công bằng, thích hợp với từng hoàn cảnh, theo tư tưởng trung dung của Nho giáo.

Quá trình xây dựng Kiều gia đại viện kéo dài gần hai thế kỷ, nhưng vẫn giữ được sự thống nhất về phong cách kiến trúc. Quần thể kiến trúc được xây dựng từ thời Càn Long (trị vì 1735-1796) và Gia Khánh (trị vì 1796-1820), sau đó mở rộng vào thời Đồng Trị (1861-1975) dưới sự chỉ đạo của gia chủ Kiều Trí Dung và tiếp tục mở rộng cho tới những năm 1920.

Tư dinh của gia tộc phú thương bậc nhất thời nhà Thanh

Toàn cảnh Kiều gia đại viện. Video: Douyin/Aitaiyuan

Kiều Trí Dung (1818-1907), gia chủ đời thứ ba của dòng họ Kiều, với tài năng kinh doanh và tầm nhìn xa trông rộng, đã đưa đế chế thương nghiệp của gia tộc lên đỉnh cao.

Mất cha mẹ từ nhỏ, được anh trai nuôi lớn, ban đầu ông theo đuổi quan trường và đỗ tú tài. Nhưng do anh trai qua đời, Kiều Trí Dung buộc phải từ bỏ con đường thi cử làm quan để quản lý gia nghiệp. Dưới sự quản lý của ông, gia tộc họ Kiều xây dựng đế chế thương mại từ Kỳ Huyện, tỉnh Sơn Tây, và mở rộng khắp Trung Quốc, thậm chí đến Mông Cổ và Nga, trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, cửa hiệu cầm đồ, lương thực, trà, lụa và muối.

Các tiệm kinh doanh hối phiếu như “Đại Đức Thông” và “Đại Đức Hằng”, tiền thân của ngành ngân hàng hiện đại, cung cấp dịch vụ chuyển tiền, gửi tiền và cho vay, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương mại thời nhà Thanh.

Nhờ đó, gia tộc họ Kiều tích lũy được khối tài sản khổng lồ, trở thành một trong những gia tộc giàu có nhất Trung Quốc thời bấy giờ. Theo sử sách, tài sản của họ ở thời kỳ đỉnh cao lên đến hàng chục triệu lượng bạc.

Cuối thời nhà Thanh và đầu thời Dân Quốc, do xã hội bất ổn, chiến tranh liên miên, sự xuất hiện của ngân hàng hiện đại cũng như thiếu người tài giỏi kế thừa, gia tộc họ Kiều dần suy yếu, quyên góp hết tài sản cho quốc gia và chuyển về Bắc Kinh sinh sống.

Kiều gia đại viện hiện là di sản văn hóa cấp một quốc gia, thu hút nhiều người đến khám phá sự huy hoàng của phú thương khu vực Sơn Tây thời xưa.

Hồng Hạnh (Theo Huaxia/QQ)