Từ đồng ruộng miền Tây đến đỉnh vinh quang thế giới

Từ đồng ruộng miền Tây đến đỉnh vinh quang thế giới

bởi

trong

Chúng tôi tìm về Trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nơi Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua hằng ngày tất bật với công việc nghiên cứu giống lúa mới. Trong căn nhà lá đơn sơ, gió lùa mát rượi, người đàn ông đã dành hơn 4 thập niên cho cây lúa đang cùng các cộng sự cần mẫn thử cơm.

Từ đồng ruộng miền Tây đến đỉnh vinh quang thế giới

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua – “cha đẻ” Gạo Ông Cua ST25 hai lần đoạt giải gạo ngon nhất thế giới

Ảnh: Duy Tân

Những chén cơm trắng, hạt cơm thon dài óng ả, tỏa hương thơm dịu nhẹ được bày ra. Ông Cua bảo: “Giờ tuổi cao rồi, chủ yếu tôi ngồi đây đánh giá chất lượng cơm. Công đoạn này quan trọng lắm, nó quyết định số phận của một giống lúa”.

Chỉ riêng giống mới ông Cua đang nghiên cứu có tới 71 dòng sẽ phải thử, tức là phải nấu 71 nồi cơm khác nhau. Bảng đánh giá chất lượng từng loại được mọi người ghi vội trên những tờ giấy lịch cũ trước khi ông Cua chép lại cẩn thận vào cuốn sổ lúc nào cũng để trong cặp táp. “Ngoài độ thơm, hạt dài, thì độ mềm dẻo và vị ngọt là yếu tố then chốt. Mỗi người có cảm nhận riêng, mình tổng hợp lại rồi so với các chỉ số đã nghiên cứu từ đó tạm đưa ra kết luận. Số được chọn sẽ được gieo trồng tiếp vào vụ tới và kiểm tra chất lượng cơm lần nữa”, ông Cua chia sẻ.

Ít ai ngờ từ công đoạn thử cơm ấy cho đến khi một giống lúa ra đời được công nhận có khi kéo dài hàng chục năm. Điển hình là giống ST24, ST25, đã mất tới 12 năm ròng rã tính từ khi lai tạo cho đến khi được công nhận. Và chỉ đến khi ST25 giành ngôi vị cao nhất tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, những nỗ lực của ông Hồ Quang Cua và đồng sự mới thực sự được công nhận một cách xứng đáng. Đó không chỉ là cột mốc đánh dấu sự hiện diện của một thương hiệu gạo Việt ở đẳng cấp cao nhất thế giới mà còn từng bước mở ra một cuộc cách mạng mới cho người nông dân trên khắp cả nước.

 - Ảnh 2.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự nhận giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023

Ảnh: TRT

Trò chuyện với PV Thanh Niên, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua đã có những chia sẻ đầy cảm xúc, những câu chuyện rất thú vị trên hành trình nghiên cứu và phát triển giống lúa ST25.

“Hạt ngọc đồng bằng” và hàng chục năm ròng tạo nên kỳ tích

Ông có thể chia sẻ về bối cảnh sản xuất lúa gạo trước đây và những bước đi đầu tiên của mình cùng các cộng sự?

Kỹ sư Hồ Quang Cua: Ở miền Nam trước năm 1975, đồng ruộng bỏ hoang nhiều lắm, nên mỗi năm phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. Sau ngày đất nước thống nhất, tình hình cũng hết sức khó khăn. Tình trạng thiếu lương thực ngày một trầm trọng, đỉnh điểm là những năm 1978 – 1979 khi dịch rầy nâu lan rộng, gây hại trên các cánh đồng miền Tây. Nhìn lại lịch sử, chiến tranh cũng từng khiến miền Bắc hứng chịu nạn đói khủng khiếp. Đó là những ký ức sâu đậm và ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách sản xuất lúa gạo sau này. Mục tiêu hàng đầu là phải đảm bảo an ninh lương thực, phải có sản lượng. Chính sách này đã đạt được nhiều thành công, đặc biệt sau những cải cách về quản lý ruộng đất. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, phải đến năm 1993, nhà nước mới có chương trình cải thiện giống lúa đầu tiên. Lúc này, vấn đề chất lượng gạo bắt đầu được chú trọng, dù xuyên suốt các chương trình mới chỉ nói đến lúa cao sản, lúa chất lượng cao chứ chưa đề cập lúa đặc sản, cao cấp.

Khi chúng tôi bắt đầu công việc lai tạo, đất nước vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy, tiêu chí quan trọng nhất mà chúng tôi đặt ra là phải tạo ra giống lúa thơm, chất lượng cao nhưng đồng thời cũng phải có năng suất cao. Thế nhưng, trong suốt 10 năm đầu tiên, giới chuyên môn gần như không ai tin vào khả năng thành công của chúng tôi.

Gian nan, thiếu thốn đủ bề, thậm chí đã có lần chúng tôi phải mời một công ty lớn đến chào bán những thành quả còn dang dở, nhưng may thay, họ từ chối. Ánh sáng rồi cũng lóe lên vào khoảng năm 2000, từ giống VD20, sau quá trình chọn lọc trong 4 vụ, chúng tôi đã có được giống ST3, với hạt dài, trong, thơm và mềm. Hai năm sau, trong báo cáo để xét công nhận giống lúa thơm ST3, chúng tôi nhận thấy giống lúa của mình có nhiều tính trạng vượt trội so với giống Khao Dawk Mali 105 của Thái Lan. Đó chính là thành công bước đầu trên hành trình tìm kiếm giống lúa thơm, năng suất và chất lượng cao.

Vậy chuyện của ST24, ST25 bắt đầu như thế nào, thưa ông?

Giống ST3 không duy trì được lâu vì sau này tình trạng bạc bụng xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ 5 năm sau, chúng tôi buộc phải loại bỏ ST3. Nhiều giống lúa khác tiếp tục được nghiên cứu và chọn tạo. Đến năm 2008, sau quá trình lai tạo nhiều lần, chúng tôi thực hiện một tổ hợp lai mới cho đến năm 2014 thì chọn ra được hai giống ST24 và ST25. Cùng năm, 2 giống này được đi khảo nghiệm quốc gia. Đến năm 2017, khi lần đầu tiên tham gia cuộc thi quốc tế ở Macau (Trung Quốc), gạo ST24 gây bất ngờ lớn khi lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới. Đó là lần đầu tiên một giống lúa “thần nông” (các giống ngắn ngày, năng suất cao – PV) của Việt Nam vươn lên vị thế hàng đầu thế giới.

 - Ảnh 3.

Cánh đồng trồng luân canh lúa – tôm tại An Giang

Ảnh: Đức Long

Đến năm 2019, ST25 xuất sắc giành vị trí quán quân tại Manila (Philippines) và kỳ tích đó lặp lại sau 4 năm ở Cebu (Philippines). Kết quả này đã đưa gạo thơm Việt Nam vào nhóm gạo “ngàn USD” của thế giới, thậm chí giá của ST25 dẫn đầu nhóm gạo cao cấp với sự hiện diện của Khao Dawk Mali 105 của Thái Lan và Basmati của Ấn Độ… Sự kiện ST25, một giống lúa cải tiến, ngắn ngày cho năng suất cao gấp 3 lần (nhờ trồng 2 vụ/năm), đạt giải cao nhất, soán ngôi các loại lúa mùa, 1 năm 1 vụ, thường xuyên chiếm lĩnh giải trước đó là một làn gió mới cho các hội thảo và hội thi lúa gạo quốc tế hằng năm. Đồng thời, mang lại sự công nhận toàn cầu, nhất là ở lần đoạt giải thứ hai bởi ở lần đầu tiên vẫn còn những nghi ngại.

Kết tinh của hương vị hai miền Nam – Bắc

Hai lần được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, điều gì đã tạo nên sự khác biệt và làm nên chiến thắng của ST25, thưa ông?

Một tiến sĩ chuyên ngành di truyền học, đồng thời là chủ tịch của một công ty xuất khẩu gạo lớn của Thái Lan, hỏi tôi: “Nhờ đâu mà gạo ST25 của ông thắng chúng tôi?”.

Tôi đã trả lời gien thơm mùi dứa của gạo Thái Lan là số một thế giới. Ở miền Nam, Việt Nam cũng có gien thơm dứa, cũng đã có doanh nghiệp chọn tạo và phát triển. Nhưng thành thật mà nói, chất lượng không thể sánh bằng các ông.

Thế nhưng với ST25 thì khác. Chúng tôi có một lợi thế là ở miền Bắc Việt Nam xưa kia nổi tiếng với giống lúa Tám Xoan có mùi thơm cốm. Cái hương thơm mùi cốm nổ đặc trưng ấy, không loại gạo nào có được.

Chúng tôi đã dành rất nhiều năm và công sức để nghiên cứu, kết hợp giữa lúa thơm dứa của miền Nam và lúa thơm cốm của miền Bắc. Và sau bao gian nan, vất vả, cuối cùng cũng tích hợp được cái hương vị và những tính trạng, phẩm chất cao cấp nhất cho ST25. Đó chính là hương vị kết tinh đặc sắc nhất, sự khác biệt của ST25 mà các giống lúa khác không có.

Đó là về chất lượng và hương thơm, vậy về năng suất, khả năng thích ứng của ST25 thì sao, thưa ông?

Cũng trong cuộc trò chuyện đó, tôi chia sẻ thêm rằng ngoài hương vị dứa – cốm đặc trưng, ST25 còn có một đặc điểm nổi bật nữa là không cảm quang, chu kỳ sinh trưởng chỉ khoảng 100 ngày. Nhờ vậy, ST25 có thể trồng quanh năm, phù hợp với mọi mùa vụ (trừ mùa đông ở miền Bắc). Điều này giúp chúng tôi luôn có thể cung cấp cho thị trường gạo tươi mới, thơm ngon. Đây là lợi thế rất lớn so với các giống lúa mùa chỉ trồng một vụ trong năm. Ví dụ, ở những quốc gia phát triển các giống lúa mùa để ăn cả năm thì thường vào những tháng cuối, chất lượng gạo sẽ giảm, mùi thơm cũng phai nhạt, cơm khô và kém dẻo. Cũng nhờ đặc tính sinh trưởng ngắn ngày nên tính bình quân, sản lượng gạo trên một đơn vị diện tích của giống ST25 cao gấp 3,5 lần so với Khao Dawk Mali 105 của Thái Lan.

Gian nan bảo vệ “đứa con tinh thần”

ST25 đã ghi dấu ấn lịch sử cho ngành lúa gạo Việt Nam, vậy con đường bảo vệ và phát huy thành quả đó, có khó khăn gì không, thưa ông?

Chúng tôi khá mệt mỏi khi phải đối phó tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế đã xảy ra tình trạng đánh tráo, thay tên đổi họ rồi lưu hành với một tên gọi mới. Chẳng hạn, có những trường hợp họ lấy cắp gien của giống ST24 rồi đặt một cái tên khác để lưu hành ra thị trường. Chúng tôi thậm chí phải gửi mẫu sang phòng kiểm nghiệm ở châu Âu, tốn hàng chục ngàn euro để phân tích, kiểm nghiệm. Kết quả chứng minh đúng là gien giống của mình nhưng lại mang cái tên khác.

 - Ảnh 4.

Nông dân H.Hồng Dân, Bạc Liêu phấn khởi thu hoạch lúa – tôm với giống ST25 ngon nhất thế giới

Ảnh: Đình Tuyển

Trước đó, từ năm 2020, chỉ 3 tháng sau khi ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới lần đầu, thương hiệu ST25 đã bị nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký bảo hộ độc quyền. Chúng tôi biết nếu để một doanh nghiệp nào đó đăng ký độc quyền ST25 ở Mỹ, thì gạo ST25 của chúng tôi sẽ vô phương vào được thị trường này. Chúng tôi buộc phải bước vào cuộc chiến để bảo vệ thương hiệu.

Tuy vậy, chỉ có giống lúa ST25 là sản phẩm được đăng ký bảo hộ độc quyền cho chúng tôi. Còn gạo ST25 là loại sản phẩm có tên gọi chung được sản xuất từ giống lúa ST25 nên không được bảo hộ, độc quyền cho bất cứ ai. Để đăng ký bảo hộ, nó cần được sử dụng kèm theo nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp. Đó là lý do thương hiệu “Gạo Ông Cua ST25″ ra đời. Mừng là đến nay, thương hiệu “Gạo Ông Cua ST25” đã được đăng ký bảo hộ độc quyền và được cấp chứng nhận ở Mỹ, Anh, EU, Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, Úc và Việt Nam…

Cuộc “cách mạng xanh” lần 2 cho nông dân

Sau 2 lần được vinh danh, ST25 đã và đang mang lại điều gì cho nông dân, thưa ông?

Với nông dân, nhất là ở miền Tây, sau khi ST25 được vinh danh, họ càng có thêm niềm tin và sự tin tưởng đó đến từ chính hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, vùng sản xuất theo mô hình lúa – tôm sử dụng giống ST phát triển nhanh chóng, trở thành những vùng trồng luân canh liền lạc với khoảng hơn 100.000 ha trải khắp bán đảo Cà Mau (gồm các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang – PV).

Nhắc đến lúa – tôm, còn nhớ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 173, cho phép các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi khác, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Khi ấy, nông dân bán đảo Cà Mau bỏ lúa nuôi tôm rất nhiều vì 1 kg tôm có giá trị tương đương 80 kg lúa. Song, chỉ làm được vài vụ, tôm bị dịch bệnh, rất nhiều hộ dân phải đóng cửa nhà, ly hương.

Năm 2007, tôi đang điều hành một dự án do Canada tài trợ, chúng tôi đã chuyển sang hỗ trợ bằng cách thực hiện mô hình lúa – tôm đầu tiên ở ĐBSCL sử dụng các giống ST, triển khai tại Sóc Trăng. Những năm sau đó, mô hình này phát triển lan dần xuống Bạc Liêu, Kiên Giang… Tuy nhiên, phải đến năm 2019, khi ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới mới thực sự tạo bước ngoặt lớn. Với những đặc tính giá trị và chu kỳ sinh trưởng phù hợp, ST24, ST25 đã dần phủ kín diện tích luân canh lúa – tôm ở miền Tây, một mô hình sản xuất rất đặc thù của Việt Nam. Mô hình này tạo ra một chu kỳ tuần hoàn, giúp nuôi tôm quảng canh đạt năng suất, chất lượng cao mà cây lúa luân canh cũng cho năng suất ổn định, chất lượng và an toàn. Và với năng suất từ 6 – 8 tấn/ha, giá lúa từ 9.000 – 13.000 đồng/kg, mô hình đã mang lại thu nhập tương đương một vụ nuôi tôm quảng canh cho nông dân, nhưng ổn định hơn.

Thị trường gạo chất lượng cao cũng được dần hình thành sau khi ST25 đoạt giải. Nhu cầu tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện nay khoảng 500.000 – 600.000 tấn gạo/năm. Còn riêng gạo Ông Cua ST25 đóng gói xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá cao nhất thế giới.

 - Ảnh 5.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng đồng sự thử cơm, một công đoạn quan trọng trong nghiên cứu giống lúa

Ảnh: Duy Tân

Giờ đây, ST25 của chúng tôi không chỉ được trồng ở ĐBSCL mà còn phủ xanh nhiều cánh đồng Tây nguyên, với khoảng 30.000 ha ở Đắk Lắk, rồi hàng ngàn ha ở vùng Đồng bằng sông Hồng, với những mô hình rất đặc trưng như lúa – rươi ở Hải Dương, Hải Phòng… mang lại lúa chất lượng rất cao, nông dân bán trên 80.000 đồng/kg gạo.

Chúng tôi cảm thấy rất tự hào, ngày ST25 đoạt giải, một nhà khoa học nước ngoài đã nói rằng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã tạo ra cuộc “cách mạng xanh” lần thứ nhất với giống lúa IR8 cho năng suất cao, góp phần giải quyết thiếu lương thực toàn cầu. Còn người Việt Nam đã tạo ra cuộc “cách mạng xanh” lần thứ hai, vì đã đưa được một giống lúa vừa có năng suất cao vừa có chất lượng tuyệt hảo, trở thành loại gạo ngon nhất thế giới.

Sở dĩ họ nói vậy bởi năng suất của ST24 và ST25 rất ổn định, một phần là nhờ được lai tạo nhiều yếu tố kháng bệnh và côn trùng, giúp cây lúa ít nhiễm bệnh và đạt được ổn định về năng suất. Điều này giúp nông dân giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, và tất nhiên là giảm chi phí. Từ đó không chỉ có được loại gạo ngon, dẻo, thơm đặc trưng mà còn an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đó cũng là thành quả lớn nhất sau hành trình hơn 1/4 thế kỷ mà chúng tôi đã cố gắng tích hợp những tính trạng tốt nhất của hạt gạo Việt Nam.

Tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt tại Trường ĐH Cần Thơ năm 1978, kỹ sư Hồ Quang Cua đã trải qua nhiều vị trí công tác, từ Phòng NN-PTNT H.Mỹ Xuyên đến Phó giám đốc Sở KH-CN Sóc Trăng; Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ông luôn ấp ủ khát vọng nâng tầm hạt gạo quê hương.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu đã được nhà nước ghi nhận bằng 10 Huân chương Lao động cao quý, trong đó cá nhân ông vinh dự nhận 5 Huân chương (1 hạng ba, 2 hạng nhì và 2 hạng nhất). Cuối năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đặc biệt, năm 2021, ông và cộng sự được Hội đồng Nhà nước thẩm định và Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ – giải thưởng khoa học danh giá nhất Việt Nam.

Sau khi về hưu, ông Cua tiếp tục dồn sức vào việc chọn tạo các giống lúa ST mới, với thành quả rực rỡ nhất là sự ra đời của hai giống lúa ST24 và ST25. Hai giống này đã liên tục gặt hái thành công trên đấu trường quốc tế, với ST24 luôn lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới trong 7 lần tham dự. Đặc biệt, ST25 đã hai lần đăng quang ngôi vị gạo ngon nhất thế giới (2019, 2023), cùng hai lần giành giải nhì (2020, 2022) tại các kỳ hội nghị lúa gạo toàn cầu.

Hiện tại, Gạo Ông Cua là thương hiệu độc quyền thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với các dòng gạo ST… được nghiên cứu và phát triển bởi kỹ sư, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và Th.S Nguyễn Thị Thu Hương.