Khách mời tại buổi giao lưu có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang); ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM – nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư; ông Phạm Dứt Điểm – Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM; ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ…

Ông Nguyễn Đình Tư (thứ 2 từ trái qua) cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (thứ 3 từ trái qua), nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực (thứ 4 từ trái qua) và các khách mời tại buổi giao lưu
Ảnh: Quỳnh Trân
Ông Phạm Chánh Trực nhớ như in không khí sục sôi ngút trời của ngày tháng 30.4.1975 lịch sử: “Cả thành phố khắp nơi quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Các cánh quân chủ lực bộ đội ta và xe tăng rầm rập tiến vào trung tâm khí thế tưng bừng, ai nấy đều phấn khởi”. Sau niềm vui toàn thắng, thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn mới. “Thành ủy vận động người dân chạy giặc về quê cũ làm ăn sinh sống. Thanh niên tình nguyện đi dọn dẹp vệ sinh, xóa bỏ tàn tích của chế độ cũ trở thành một phong trào lớn mà đỉnh cao là lực lượng TNXP với hơn 10.000 quân, sát cánh cùng lãnh đạo TP đột phá tìm ra con đường tươi sáng…”, ông bồi hồi và kể lại: “Hình ảnh của đội ngũ TNXP TP khi ấy trở thành biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc lần đầu tiên rất đẹp và khí thế. Chúng ta chiến thắng giặc rồi chỉ còn một hướng đi là phải tự lập tự cường về kinh tế”.
Ở tuổi 105, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Ông tâm sự: “Ngày 30.4.1975, lúc ấy tôi cũng chỉ là người dân thường như những công dân khác. Thành phố trải qua chiến tranh thiếu thốn trăm bề. Thậm chí tôi phải ăn bo bo, khoai lang khoai mì trừ bữa, muốn mua cây kim sợi chỉ cũng khó. Nhưng nhờ chúng ta đổi mới tư duy, phá bỏ cơ chế bao cấp lỗi thời mà kinh tế phát triển. Vì vậy thời đó có những cụm từ như: “chạy gạo”, “xé rào bung ra” mà giờ nói ra không phải ai cũng biết”.
Là nhân chứng của lịch sử, ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63, kể: “Để có chiến thắng 30.4 là thành quả và công sức của rất nhiều người, nhưng tôi khen anh em binh vận ta giỏi lắm. Tôi nhớ trong chuyến đi tại rừng Trường Sơn trước năm 1975, tôi đã gặp em ruột của Dương Văn Minh (sau này là tổng thống VNCH). Ảnh nói đại khái tổ chức chính trị điều ảnh về học công tác binh vận. Điều này cho thấy sự chuẩn bị của ta hết sức chu đáo, tính toán trước đủ mọi thứ”.