Từ livestream bán vải đến 4.000 tỷ thương mại điện tử, chuyển mình từ những cán bộ “dám làm”

Từ livestream bán vải đến 4.000 tỷ thương mại điện tử, chuyển mình từ những cán bộ “dám làm”

bởi

trong

Trưa 1/7, điện thoại tôi báo có tin nhắn. Người gửi là một chủ doanh nghiệp gần 30 năm trên thương trường, vốn nổi tiếng thẳng và khắt khe. Tin nhắn chỉ vỏn vẹn: “Lãnh đạo thế này quá ok!” – kèm theo bức hình Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh đang livestream để quảng bá sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Kết quả, hơn 54 tấn vải được bán sạch trong 6 giờ đồng hồ. Không hoa mỹ. Không khuôn sáo. Chỉ một khoảnh khắc “lên sóng” của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đủ khiến một doanh nhân thêm cách nhìn thiện cảm về bộ máy chính quyền. Đó không chỉ là một hình ảnh đẹp, mà là minh chứng rõ ràng cho cách làm mới, cần có của người cán bộ: Gần dân, sát thực tiễn và dám dấn thân.

Chuyện ở Bắc Ninh không phải cá biệt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cũng từng khiến mạng xã hội “dậy sóng” khi livestream trên TikTok để quảng bá sản phẩm OCOP. Không kinh nghiệm, không đội ngũ chuyên nghiệp, vị lãnh đạo tỉnh này vẫn xuất hiện trên sóng trực tuyến, góp phần giúp nông dân tiêu thụ thêm nông sản. Kết quả là hàng trăm sản phẩm nhà nông được “chốt đơn”.

Nhưng kết quả lớn hơn là niềm tin của cộng đồng được khơi dậy. Một cán bộ dám hành động, không ngại “ra mặt”, điều đó đủ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn bất kỳ chiến dịch truyền thông nào.

Từ livestream bán vải đến 4.000 tỷ thương mại điện tử, chuyển mình từ những cán bộ “dám làm”

Ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (người mặc áo trắng), bán vải thiều trên livestream (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Ấn tượng không kém là câu chuyện của tiến sĩ ngành tài chính – ngân hàng, thạc sĩ công nghệ Lê Văn Bính, nguyên Chủ tịch huyện Phú Xuyên, nay là Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực (Hà Nội).

Khi làng nghề địa phương gặp khó, ông Bính không chọn cách chờ chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp trên mà tự mình… xắn tay áo lên và làm. Ông cùng một số cán bộ, lãnh đạo huyện Phú Xuyên khi đó xây dựng nền tảng truyền thông số; ông Bính làm admin (quản trị) kiêm luôn quay video, viết kịch bản và hướng dẫn người dân bán hàng online.

Từ chỗ doanh thu thương mại điện tử chỉ đạt 147 tỷ đồng năm 2023, Phú Xuyên đã cán mốc hơn 4.000 tỷ đồng chỉ sau 5 tháng đầu năm 2025. Đây thực sự là trái ngọt từ chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy điều hành và quản lý nhà nước.

Khi cán bộ thật sự đồng hành cùng dân, không ngại bước ra khỏi vùng an toàn, không ngại “làm thật” thì khoảng cách giữa chính quyền và người dân được rút ngắn. Sự tin tưởng không đến từ phát biểu hùng hồn mà đến từ những hành động nhỏ, cụ thể, thực chất. Và cuối cùng, chính hành động mới là điều để dân nhớ, dân tin và xuyên suốt một lòng ủng hộ.

Dĩ nhiên, livestream không bao giờ là bắt buộc trong bảng mô tả công việc của một Phó Chủ tịch tỉnh hay Chủ tịch huyện. Kỹ thuật, công nghệ là quan trọng, nhưng sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm của con người mới là yếu tố quyết định.

Sự đổi mới không thể chỉ nằm trên giấy, trong nghị quyết hay khẩu hiệu. Đổi mới phải bắt đầu từ chính cán bộ. Từ việc dám từ bỏ nếp cũ, thói quen; chấp nhận học cái mới và không ngại thử sai. Khi cán bộ sẵn sàng ngồi với dân, nghĩ cùng dân, làm cùng dân, thì việc giúp dân trở thành việc làm thiết thực mang lại lợi ích kép: Người dân được hỗ trợ, còn chính quyền được củng cố niềm tin.

Đất nước ta không thiếu công nghệ, không thiếu nhân lực, chỉ là luôn cần thêm dấn thân, gần dân và giữ một niềm tin rằng: Giúp dân cũng chính là giúp chính mình.

Cuối cuộc trò chuyện, người bạn doanh nhân của tôi nhắn thêm một dòng: “Nếu lãnh đạo nào cũng chịu khó xuống hiện trường, làm thật thì chúng tôi chẳng còn gì để phàn nàn. Khi chính quyền không chỉ nói, mà hành động vì dân, thì dân và doanh nghiệp cũng sẽ chẳng ngần ngại gì việc sát cạnh kề bên công cuộc đổi thay của đất nước”.

Tác giả: Nhà báo Phúc Hưng là Tổng thư ký tòa soạn báo Dân trí.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!