Bác sĩ tốt nghiệp chưa được hành nghề khám chữa bệnh ngay mà phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức, bắt đầu từ 1/1/2027.
Đây là quy định mới được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, bác sĩ là chức danh đầu tiên sẽ áp dụng kiểm tra đánh giá năng lực từ ngày 1/1/2027. Chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá từ ngày 1/1/2028. Còn các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ ngày 1/1/2029.
Như vậy, tất cả chức danh y tế bắt buộc phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề trước khi được cấp phép.
Bộ Y tế cũng công bố danh sách 37 thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia, gồm một Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 33 ủy viên. Đây là tổ chức đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nhiều nước tiên tiến và đại đa số quốc gia trong khu vực ASEAN (như Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan…) đã tổ chức kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề y, còn Việt Nam chưa có kỳ thi này. Điều này gây khó khăn cho việc công nhận văn bằng, chứng chỉ giữa các quốc gia và cản trở đội ngũ bác sĩ hành nghề ở nước ngoài, cũng như ngược lại.
Hội đồng Y khoa quốc gia ra đời sẽ là cơ quan tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề dựa trên chuẩn mực quốc tế. Đây là căn cứ để cấp giấy phép hành nghề, đòn bẩy buộc các cơ sở đào tạo y khoa nâng cao chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt thiếu kiểm soát. Chỉ những người có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp mới được cấp phép hành nghề, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Bác sĩ tại bệnh viện Quân y 175, quận Gò Vấp thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Trần
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia, cho biết các bài thi sẽ được tổ chức theo hình thức thi tập trung, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo tính công bằng và chính xác. Đặc biệt, các câu hỏi trong bài thi sẽ được sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên cho từng ứng viên, nhằm ngăn chặn việc sao chép giữa các thí sinh ngồi cạnh nhau. Ngoài kiến thức chuyên môn, bài thi cũng sẽ đánh giá kỹ năng quản lý, cấp cứu và đạo đức nghề nghiệp của sinh viên ngành y.
“Thông qua các kỳ thi, hội đồng sẽ đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đào tạo y khoa. Một trường có quá nhiều sinh viên không vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực, hội đồng sẽ đánh giá được chất lượng đào tạo của trường đó, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”, GS Tiến nói, thêm rằng kết quả của các kỳ thi do hội đồng tổ chức sẽ là cơ sở để các sở y tế cấp giấy phép hành nghề cho cán bộ y tế. Những người không đạt yêu cầu sẽ không được cấp phép hành nghề, hoặc phải trải qua các kỳ thi bổ sung để chứng minh năng lực của mình.
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TPHCM, thành viên Hội đồng Y khoa Quốc gia, cho hay chỉ còn 1,5 năm nữa để chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên. Không chỉ phải tổ chức biên soạn bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực, ngân hàng câu hỏi, Hội đồng còn phải xây dựng quy trình kiểm tra, phần mềm quản lý ngân hàng đề thi, phần mềm quản lý tổ chức kỳ thi. Việc này nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch, và hội nhập quốc tế trong toàn bộ quá trình triển khai tổ chức kỳ thi.
Đến hết năm 2024, Việt Nam có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế với 66 cơ sở giáo dục đại học. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2024 khoảng 12.000 người. Hiện nước ta có 34 cơ sở đào tạo ngành bác sĩ y khoa, 18 cơ sở đào tạo bác sĩ răng – hàm – mặt, 13 cơ sở đào tạo bác sĩ y học cổ truyền và 10 cơ sở đào tạo bác sĩ y học dự phòng. Những năm gần đây, nhiều trường đại học tư thục tham gia đào tạo y khoa.
Lê Nga