Từ phổ điểm, nghĩ về trình độ tiếng Anh của người Việt

Từ phổ điểm, nghĩ về trình độ tiếng Anh của người Việt

bởi

trong

Các phân tích về phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay gặp nhau ở một điểm là đề thi có tính phân hóa tốt, tuy nhiên, tỷ lệ 38% các em có điểm dưới trung bình – đây đều là các em chủ động chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp – cho thấy còn có những vấn đề về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Số lượng điểm 10 rất ít, chỉ 141 trong hơn 350.000 thí sinh chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp, phản ánh đề thi không dễ để đạt điểm tuyệt đối. Đây là chuyện mà nhiều người, trong đó có tôi đã dự đoán khi đọc đề thi tiếng Anh năm nay, với nhiều từ chuyên môn như “carbon-neutral” (trung hòa carbon), “net-zero” (phát thải ròng bằng 0), hay “greenwashing” (tẩy xanh, thuật ngữ chỉ hành vi thổi phồng hoặc bịa đặt các cam kết bảo vệ môi trường)…

Còn nhớ trong nội dung giảng dạy môn “Nhập môn Kinh doanh” tại Trường quản trị Quốc tế – Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản, ở buổi học thứ hai tôi có đề cập tới khái niệm “Greenwashing”, chỉ khoảng 1/4 sinh viên đã từng nghe qua khái niệm này. Không quá khó hiểu khi môn học bắt buộc này dành cho sinh viên năm nhất – hầu hết đều chưa có kiến thức nền về kinh tế hay quản trị kinh doanh.

Con số này chỉ tăng lên một nửa, khi một lần nữa tôi sử dụng khái niệm này trong môn học “Đạo đức Kinh doanh và Trách nhiệm Xã hội”, phần đông sinh viên đang học kì thứ 5 hoặc 6, tương đương với năm 3 đại học ở Việt Nam.

Tóm lại, “Greenwashing” là một từ vựng lạ, đối với cả sinh viên quốc tế, khi ngôi trường tôi đang theo dạy có sinh viên đến từ 100 quốc gia trên thế giới.

Từ phổ điểm, nghĩ về trình độ tiếng Anh của người Việt

Phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong tương quan với các năm trước (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nhìn vào đề thi tiếng Anh năm nay, có thể thấy rõ nhiều câu hỏi tập trung vào các cấu trúc ngữ pháp phức tạp cùng từ vựng hiếm gặp, trong khi khả năng sử dụng ngôn ngữ thực tế lại bị bỏ qua, và đây là vấn đề tôi muốn đề cập trong bài viết này.

Năm 2018, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Nhật Bản. Trong năm đầu tiên, đinh ninh rằng mình có thể sử dụng tiếng Anh để vượt qua kì thi đầu vào cao học, cũng như có thể lấy toàn bộ các tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp bằng tiếng Anh, tôi khá chủ quan về việc trau dồi tiếng Nhật. Chỉ sau vài tháng, tôi nhận ra có sự khác biệt lớn về chất lượng giáo dục bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, tại trường đại học Osaka, nơi tôi theo học. Cùng một môn học, cùng giáo trình, chất lượng tiết học tốt hơn nhiều nếu ngôn ngữ truyền tải là tiếng Nhật. Các tiết học tương tự bằng tiếng Anh thu hút được rất ít sinh viên, chủ yếu là sinh viên nước ngoài, đa phần giống như tôi, chưa có đủ sự thông thạo về tiếng Nhật.

Theo bảng xếp hạng toàn cầu về trình độ tiếng Anh của người trưởng thành, do Tổ chức Giáo dục EF Education First công bố hàng năm (EF EPI), năm 2024 Nhật Bản xếp hạng 92, thấp hơn Việt Nam 29 bậc – với hạng 63. Tại Nhật Bản, bài thi Eiken – một kỳ thi tiếng Anh phổ biến – bị chỉ trích vì quá chú trọng vào ngữ pháp và từ vựng học thuật ít ứng dụng trong thực tế. Hệ quả là, dù học sinh Nhật Bản dành nhiều năm học tiếng Anh, khả năng giao tiếp của họ vẫn rất hạn chế.

Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ tương tự như Nhật Bản nếu tiếp tục duy trì cách học và cách đánh giá nặng về lý thuyết như hiện nay. Chúng ta thường nói “học như thế nào thì thi như thế đó”, nhưng với học sinh thì thông thường “thi như thế nào sẽ học như thế đó”. Nghĩa là các em nhìn vào đề thi để định hướng cách học của mình.

Một kỳ thi chỉ tập trung kiểm tra kiến thức ngữ pháp, từ vựng mà không chú trọng đến kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, sẽ không thể giúp học sinh định hướng việc học để chuẩn bị tốt cho cuộc sống và công việc sau này.

Có một thực tế là nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam thường đối mặt với khó khăn trong việc sử dụng tiếng Anh khi đi du học hoặc làm việc ở môi trường quốc tế, dù đã đạt điểm cao trong các kỳ thi trong nước. Một sinh viên có thể xuất sắc vượt qua bài thi với điểm số ấn tượng nhưng lại không thể trò chuyện tự nhiên với giáo viên nước ngoài hay trình bày ý tưởng trong các cuộc họp quốc tế, do thiếu kỹ năng giao tiếp thực tế.

Thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp và đọc hiểu, bài thi nên được thiết kế để đánh giá toàn diện hơn, bao gồm cả kỹ năng nghe và nói.

Các quốc gia Bắc Âu và Hà Lan nổi bật với hệ thống giáo dục tiên tiến, trong đó kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh được thiết kế một cách toàn diện và mang tính ứng dụng cao. Các quốc gia trên luôn nằm trong top đầu của danh sách EF EPI.

Ở Hà Lan, kỳ thi “Centraal examen” dành cho học sinh trung học phổ thông là một ví dụ điển hình. Kỳ thi này yêu cầu học sinh thực hiện các bài kiểm tra đa dạng, bao gồm đọc hiểu từ các bài báo, viết thư xin việc, nghe các đoạn âm thanh thực tế và đôi khi tham gia phần thi nói như phỏng vấn.

Tương tự, ở Thụy Điển, “Nationella prov” cũng đánh giá đầy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua các hoạt động như thảo luận nhóm hoặc trả lời phỏng vấn cá nhân. Điểm chung của các kỳ thi này là sự tuân thủ nghiêm ngặt theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR), giúp học sinh dễ dàng chứng minh năng lực tiếng Anh của mình trên phạm vi toàn cầu, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Một đặc điểm nổi bật khác là tính thực tiễn của các kỳ thi. Các bài thi thường mô phỏng những tình huống đời sống thực, chẳng hạn như viết email công việc, tham gia đóng vai trong các ngữ cảnh giao tiếp hàng ngày, hoặc xử lý thông tin từ các nguồn thực tế như báo chí và tài liệu audio (âm thanh). Cách tiếp cận này không chỉ giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi mà còn trang bị cho họ khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong công việc và cuộc sống sau này.

Ngược lại, tại Việt Nam, các kỳ thi tiếng Anh hiện nay chủ yếu tập trung vào trắc nghiệm ngữ pháp và đọc hiểu, gần như bỏ qua hai kỹ năng quan trọng là nghe và nói. Điều này khiến học sinh Việt Nam gặp khó khăn khi phải sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.

Theo tôi, trước hết, cần bổ sung phần thi nghe và nói vào các kỳ thi chính thức để đánh giá toàn diện năng lực ngôn ngữ của học sinh. Thứ hai, việc áp dụng khung CEFR sẽ giúp chuẩn hóa chất lượng và tăng tính công nhận quốc tế cho kết quả thi. Thứ ba, đề thi nên được thiết kế thực tiễn hơn, tập trung vào các kỹ năng giao tiếp thực tế thay vì nặng về lý thuyết.

Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, dạy và học tiếng Anh cũng như đề thi cần hướng đến những giá trị thực chất.

Tác giả: Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại Đại học Osaka, Nhật Bản; hiện là giảng viên tại Trường quản trị Quốc tế – Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!