Nghệ sĩ Văn Toản cho biết ngồi thiền hai lần trong ngày, duy trì niệm Phật để tâm hồn luôn thanh thản.
Căn nhà của diễn viên nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở đường Giải Phóng, Hà Nội, tách biệt không khí xô bồ. Do bị điếc khoảng 5 năm nay, trước cổng, ông dán một tờ giấy A4, trên đó ghi số điện thoại của mình để mọi người liên lạc. Trong phòng riêng, nghệ sĩ để sẵn những tờ lịch cũ, mẩu giấy nhỏ, bút, ai cần trao đổi gì có thể viết và đưa ông đọc.
Hiện ông sống cùng gia đình con trai út, được con dâu chăm lo từng chút. Ở tuổi 86, nghệ sĩ không còn thính lực song trí tuệ minh mẫn, mắt sáng, giọng nói to, rõ ràng. Khi có khách, ông nhanh nhẹn vào bếp chuẩn bị nước, sắp xếp chỗ ngồi. Ông cười khi hay tin gần đây được khán giả nhắc nhiều qua video một tài xế xe ôm công nghệ đăng tải trên TikTok.
Ở video, nam thanh niên sau khi nhận ra ”bác Văn Toản” đã không nhận tiền xe. Thấy vậy, nghệ sĩ tặng lại anh cuốn sổ do ông tổng hợp các mẹo chữa bệnh dân gian, trong đó ghi địa chỉ, số điện thoại của ông. Diễn viên nói: ”Không may ở nhà có người ốm đau, bệnh tật, cứ đến bác chữa. Không nhận quà, không lấy tiền”. Dưới bình luận, nhiều người nói nhớ hình ảnh nghệ sĩ trong tiểu phẩm Con nghiện. Một số khán giả sống gần nhà diễn viên cho biết ông vui vẻ, hòa đồng.
Nghệ sĩ Văn Toản được khán giả trẻ nhận ra. Video: TikTok Tuấn khởi nghiệp
Ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ sĩ không mong gì hơn ngoài sức khỏe. Diễn viên còn ao ước có chiếc xe máy để chủ động đi lại. Trước đây ông từng có xe, song bị con gái và con rể ”tịch thu” vì sợ ông không nghe được tiếng còi, dễ gây tai nạn. Ông không thích ngồi xe ôm công nghệ bởi nhiều người đi tốc độ cao, một phần do đau lưng, hay chọn xe buýt để di chuyển trong thành phố.
Diễn viên ăn uống đơn giản, mỗi bữa chỉ khoảng lưng bát cơm nên cơ thể nhẹ nhàng. Ông không ăn chay nhưng cũng hạn chế một số loạt thịt. Thường ngày, ông duy trì đều đặn việc tụng kinh, niệm Phật và thiền vào buổi sáng. 9h30, ông di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố để đến nơi thắp hương lên bàn thờ họ ngoại và cho các cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam đã qua đời. Chiều đến, ông thường ở nhà. Nếu không có khách tới thăm, nghệ sĩ sẽ nghỉ ngơi, đến tối tiếp tục thiền.
Thời trẻ, nghệ sĩ quan tâm các bài thuốc dân gian. Đi diễn đến đâu, ông cũng tìm gặp những thầy thuốc nổi tiếng trong vùng, tặng vé xem kịch và xin đổi một phương thuốc. Dần dần, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm chữa các bệnh như cảm cúm, viêm họng.
Nghệ sĩ nói trước kia nhiều người đến hỏi ông mẹo chữa bệnh, có ngày ông đón 10 người, gần đây số lượng ít hơn. Ông không nhận tiền, quà, ai tặng gì đều từ chối bởi tâm nguyện sẽ giúp đỡ mọi người không vụ lợi. Có lần, một phụ nữ gửi 30.000 đồng cảm ơn, diễn viên tìm mọi cách nhưng không trả lại được. Dịp khác, khi tiếp những người từ miền Nam ra, ông kẹp tiền vào sổ ghi chép các phương thức chữa bệnh rồi tặng họ. Trong sổ, diễn viên ghi rõ nguyên liệu điều trị, các lưu ý. Một số bệnh phức tạp hơn, ông giới thiệu địa chỉ của bác sĩ, hotline đơn vị thăm khám uy tín.
Ở phòng riêng, tờ giấy ghi những điều Phật dạy được ông dùng băng dính dán cẩn thận trên tường. Khi tình cờ đi qua ngôi chùa nào, ông cũng chắp tay khấn. Diễn viên quan niệm sống tử tế thì trời sẽ thương. Vì vậy ra đường, ông được nhiều người giúp đỡ. Một hôm nghệ sĩ chờ sang đường, có bạn trẻ đã đi qua nhưng vẫn quay lại hỗ trợ ông. Nhiều lần, ông được tài xế xe máy chở miễn phí.

Nghệ sĩ Văn Toản tại nhà riêng. Ảnh: Phương Linh
Diễn viên nhận mình nghèo song chấp nhận số phận. Ông nói: ”Nhìn lên chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống bản thân còn hơn nhiều người”. Ngày mới vào nghề, ngoài thời gian diễn, ông làm đủ việc để lo cho gia đình, từ xây tường, cọ toilet đến bán nước chè. Có người hỏi: ”Sao diễn viên lại đi làm cái này?” nhưng ông vui vì kiếm tiền chân chính, ”không trộm cướp của ai nên không sợ”.
Dù vất vả, ông chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ nghệ thuật, coi đây là niềm say mê lớn. Nghệ sĩ từng công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, nghỉ hưu năm 2000. Về hưu, ông tiếp tục đóng phim truyền hình, các tiểu phẩm hài. Đến giờ, diễn viên không nhớ rõ những nhân vật mình thể hiện trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, ông khắc sâu trong tâm trí vai diễn ở các vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt hay Đại đội trưởng của tôi. Tiểu phẩm Con nghiện, kết hợp nghệ sĩ Xuân Bắc cũng là một trong những ký ức khó quên của ông.
Ông nói không dám nhận là nghệ sĩ mà chỉ là người làm công việc văn hóa bình thường, thích được mọi người gọi là ”bác Văn Toản”. Diễn viên mỉm cười, ánh mắt rạng rỡ khi biết vẫn có một vị trí nhất định trong lòng công chúng sau nhiều năm vắng bóng.
Trích tiểu phẩm ”Con nghiện” (2003) của hai nghệ sĩ Văn Toản và Xuân Bắc. Video: VTV Go
Phương Linh