
Yamal (phải) là biểu tượng cho sự tái sinh của Barca – Ảnh: REUTERS
Rạng sáng 16-5 (giờ VN), Barca đánh bại Espanyol 2-0, qua đó vô địch La Liga sớm 2 vòng đấu. Một chức vô địch hứa hẹn mở ra kỷ nguyên huy hoàng cho đội chủ sân Camp Nou, tương tự như giai đoạn 2008 – 2015 của thế hệ Messi.
Sự hùng mạnh đúng nghĩa trong thế giới bóng đá đỉnh cao không chỉ được quyết định bởi một hay hai chiếc cúp. Đặc biệt là ở La Liga, khi cuộc đua vô địch nhìn chung chỉ quanh quẩn với ba cái tên: Real Madrid, Barca, Atletico Madrid. 2 năm trước, Barca cũng vô địch La Liga vì Real Madrid mất tập trung. Nhưng vào lúc này, có cảm giác Real Madrid đã bị đẩy vào thế phải rượt đuổi trước Barca.
4 năm trước, Barca rơi vào vực thẳm của khủng hoảng tài chính với khoản nợ lên đến hơn 1 tỉ euro. Họ buộc phải đẩy Messi đi để giải phóng một phần quỹ lương, kế đến là chính sách “bán được gì thì bán”.
Trong 3 năm, Barca trở thành trò cười cho thế giới khi họ phải mang sân nhà cho thuê làm tiệc cưới và phải bán cả cỏ mặt sân. Đồng thời liên tục bán quyền khai thác hình ảnh để có ngân sách làm bóng đá.
Ở góc độ chuyên môn, Barca chỉ có thể tiếp cận các ngôi sao mãn hạn hợp đồng, dùng danh tiếng để thuyết phục họ. Kết quả là một chuỗi những thương vụ giật gấu vá vai. Barca lần lượt mang về Depay, Kessie, Christensen, Bellerin, Alonso, Gundogan, Cancelo – những cầu thủ mà ban lãnh đạo chẳng cần biết có phù hợp với đội bóng hay không, chỉ cần họ miễn phí là được. Một nhóm nhỏ trong số đó tương đối đáp ứng kỳ vọng, như Christensen hay Depay.
Nhưng với một đội bóng hùng mạnh như Barca, sau giai đoạn cực suy thường sẽ đến cực thịnh. Quả vậy, thần đồng Yamal xuất hiện, mang tính biểu tượng sự trỗi dậy cho lò đào tạo La Masia. Và Barca một lần nữa hồi sinh.
Có tổng cộng 17 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo La Masia đã ra sân cho đội một Barca ở mùa giải này – một con số kỷ lục thực sự. Nhiều người trong số đó thậm chí còn mở đầu mùa giải ở đội dự bị, như Hector Fort hay Gerard Martin.
Nhưng rồi họ đã vươn mình ngoạn mục để trở thành trụ cột của đội bóng. Con số 17 này thậm chí chưa bao gồm Pedri, người gia nhập Barca từ năm 17 tuổi (vẫn được tính là do đội bóng tự đào tạo).
Trừ Olmo – người năm nay 27 tuổi, toàn bộ các cầu thủ học viện còn lại đều ở độ tuổi 23 trở xuống. Giá trị chuyển nhượng của họ vì vậy là cực cao. Nếu có khó khăn tài chính, Barca lúc này chỉ cần bán một trong số các ngôi sao trẻ là dễ dàng thu về cả trăm triệu euro.
Nhưng có lẽ không cần điều này, vì ban lãnh đạo đội bóng đã thành công trong việc giảm khoản nợ còn dưới nửa tỉ euro.
Tất cả biểu tượng cho một sự thật: Barca vĩ đại đã tái sinh, và tương lai nằm trong tay họ.