
Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong lễ khai giảng năm học mới
ảnh: hà ánh
6 mã ngành thuộc lĩnh vực pháp luật
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH, danh mục thống kê các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật theo quy định hiện hành bao gồm: luật, luật hiến pháp và luật hành chính, luật dân sự và tố tụng dân sự, luật hình sự và tố tụng hình sự, luật kinh tế, luật quốc tế.
Ngoài các ngành đào tạo được nêu tại danh mục, những ngành được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện thí điểm hoặc bổ sung vào danh mục đào tạo trình độ ĐH thuộc lĩnh vực pháp luật phải thực hiện theo quy định tại chuẩn chương trình đào tạo này.
Người tốt nghiệp chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH được cấp bằng cử nhân.
Chuẩn đầu vào đánh giá kiến thức toán, ngữ văn
Đáng chú ý trong văn bản này là quy định về chuẩn đầu vào chương trình đào tạo. Theo đó, người học các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể.
Thứ nhất là đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Thứ hai, tổng điểm xét tuyển tối thiểu đạt 60% điểm đánh giá tối đa của thang điểm. Các cơ sở đào tạo quy định chuẩn đầu vào dựa trên các kỳ thi, xét tuyển và các hình thức đánh giá khác hoặc những yêu cầu cụ thể về kiến thức, năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm đối với người học từng chương trình đào tạo nhưng phải bảo đảm đánh giá được kiến thức toán và ngữ văn, hoặc toán, hoặc ngữ văn và đạt tối thiểu 60% điểm đánh giá tối đa của thang điểm.
Người dự tuyển tất cả các hình thức đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH đều phải đáp ứng các điều kiện trên, trừ trường hợp người dự tuyển đã có bằng ĐH.
Chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH có khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ (chưa bao gồm giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành). Trong đó, kiến thức lý luận chính trị được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và các thành phần cơ sở ngành, cốt lõi ngành bắt buộc trong toàn bộ chương trình đào tạo chiếm tối đa 65% tổng số tín chỉ còn lại.
Có giảng viên cơ hữu dạy nhóm kiến thức cốt lõi ngành
Đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ của cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ ĐH cũng có những yêu cầu cụ thể.
Giảng viên tham gia giảng dạy cần có trình độ tối thiểu là thạc sĩ ngành phù hợp với học phần giảng dạy. Hằng năm, giảng viên công bố tối thiểu 1 công trình khoa học.
Giảng viên các học phần về pháp luật phải bảo đảm trong thời gian 5 năm tính đến thời điểm được phân công giảng dạy đáp ứng một trong các điều kiện sau: có tối thiểu 2 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm trong nước được tính 0,5 điểm trở lên hoặc tạp chí nước ngoài trong danh mục tạp chí được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành luật công nhận; là tác giả hoặc đồng tác giả 1 sách chuyên khảo hoặc 1 chương sách do nhà xuất bản trong nước hoặc nước ngoài phát hành.
Bên cạnh đó, có ít nhất 1 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực pháp luật để chủ trì giảng dạy mỗi nhóm kiến thức bắt buộc thuộc thành phần cốt lõi ngành của chương trình đào tạo phù hợp với chuyên môn của mình; các giảng viên này có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật.
Quy định cũng nêu rõ, cần có đủ giảng viên cơ hữu để giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng giảng dạy trong chương trình đào tạo…
Quyết định ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật này có hiệu từ ngày ký (14.3). Trong kế hoạch tuyển sinh ĐH 2025, các trường có những quy định riêng trong tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực này. Đối với những chương trình đào tạo trình độ ĐH của các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực pháp luật được ban hành trước khi có quyết định này, cơ sở đào tạo có trách nhiệm rà soát, cập nhật bảo đảm đáp ứng tiêu chí theo chuẩn, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 30.6.2026.