Phần 2 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chiến lược đặt nguyện vọng tăng cơ hội trúng tuyển” do Báo Thanh Niên diễn ra vào lúc 15 giờ 20 hôm nay (23.7), không chỉ tiếp tục giải đáp băn khoăn về cơ hội trúng tuyển vào các ngành, các trường mà còn đưa ra những lời khuyên hữu ích với các trường hợp cần thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Sau khi thông tin về kết quả đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với điểm học tập bậc THPT được Bộ GD-ĐT công bố, thí sinh và phụ huynh rất quan tâm tới tác động của kết quả đối sánh này đến cơ hội trúng tuyển các phương thức.
Để giải đáp băn khoăn này, các khách mời tham gia chương trình sẽ phân tích hệ số tương quan kết quả học THPT và thi tốt nghiệp THPT, điều này có ảnh hưởng ra sao tới thí sinh xét tuyển vào một ngành bằng điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ hay các kỳ thi riêng?
Các chuyên gia cũng sẽ lý giải thêm về biểu đồ đối sánh phổ điểm một số tổ hợp truyền thống theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và tác động của nó đối với phương án xây dựng điểm chuẩn của các trường.

Nhiều thí sinh đã hoàn thành đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng vẫn muốn điều chỉnh sau khi có sự cân nhắc, tính toán lại
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tham gia tư vấn có các khách mời:
- Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM;
- Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing;
- Thạc sĩ Chung Quốc Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM.
Cũng tại chương trình, đại diện các trường sẽ thông tin cụ thể về điểm sàn xét tuyển vào các ngành học, liệu có sự thay đổi nào sau khi Bộ công bố kết quả đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với điểm học bạ và các hệ số tương quan?
Đặc biệt, theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thí sinh kết thúc việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 28.7. Trong khoảng thời gian từ nay đến đó, thí sinh vẫn có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng, bổ sung các nguyện vọng mới, loại bỏ nguyện vọng không phù hợp… Vậy, thí sinh chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng trong những trường hợp nào?
Tại chương trình, bạn đọc có thể đặt thêm câu hỏi cụ thể qua các kênh của Báo Thanh Niên để được giải đáp thêm.
Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY.