Tỷ phú Trung Quốc Lưu Ích Khiêm chi hàng trăm triệu USD để mua cổ vật gồm chén bát, bình gốm biểu tượng “quyền lực đế vương”.
Theo Artron, triển lãm Thiên địa đại quan – dấu tích văn minh xuyên thời gian đang diễn ra tại bảo tàng tư nhân Long Museum tại Thượng Hải của vợ chồng ông Lưu. Doanh nhân trưng bày hơn 200 cổ vật từ thời Chu đến thời Thanh, Trung Quốc. Trong đó có các món đồ gốm sứ lập kỷ lục đắt nhất thế giới.
Ông Lưu Ích Khiêm đảm nhiệm vai trò tổng giám tuyển, cho biết lựa chọn những tác phẩm này nhằm phác họa dòng chảy chưa từng ngắt quãng của nền văn minh Trung Hoa suốt 3.000 năm.

Vợ chồng tỷ phú Lưu Ích Khiêm, Vương Vi. Ảnh: The Paper
“Tác phẩm trưng bày không chỉ là biểu tượng quyền lực của đế vương mà còn cho thấy tài năng từ đôi bàn tay của nghệ nhân, đây cũng là nơi giao thoa của các nền văn minh. Khi người trẻ dừng chân ngắm nhìn và suy ngẫm, tôi mong họ cảm nhận được biểu tượng văn hóa, mong tinh thần truyền thống của nghệ nhân xưa được chảy trong dòng máu mỗi người”, ông Lưu cho biết.
Bà Vương Vi – vợ Lưu Ích Khiêm đồng thời là tổng giám đốc của Long Museum – cho biết vợ chồng bắt đầu sưu tầm nghệ thuật từ năm 1992, chú trọng vào trình tự thời gian của tác phẩm, nhằm kể câu chuyện xuyên suốt từ cổ chí kim.
Bát gốm 1.000 năm tuổi – cổ vật thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Lưu Ích Khiêm. Video: Sotheby’s
Đôi vợ chồng giới thiệu các tác phẩm gốm sứ đắt đỏ ở chương trình triển lãm. Một trong số đó là chiếc bát của cung đình thời Bắc Tống (960-1127), được ông mua năm 2017 với giá 295 triệu HKD (37,6 triệu USD) ở phiên đấu giá do Sotheby’s tổ chức. Tác phẩm lập kỷ lục món đồ gốm sứ đắt nhất thế giới bấy giờ.
Bát màu thiên thanh, đường kính 13 cm. Thời cổ đại, loại gốm sứ này thường được dùng đựng nước để rửa bút lông. Giới nghiên cứu nhận định nghệ nhân chỉ sản xuất gốm Nhữ diêu trong khoảng 20 năm, vì thế dòng gốm sứ này được ví là “ngôi sao băng” vụt qua trong lịch sử đồ gốm Trung Quốc, ngắn ngủi nhưng lấp lánh.
Các sản phẩm Nhữ diêu đều được đưa vào lò nung nhiều lần, lần đầu nung thường, những lần sau nung tráng men. Lớp tráng men cho hình dạng nứt như đá quý, màu óng ánh, vì thế được giới sưu tầm ưa chuộng từ xưa đến nay.

Ông Lưu Ích Khiêm uống trà bằng chiếc chén hơn 35 triệu USD. Ảnh: People Daily
Triển lãm còn trưng bày chén họa tiết gà trống, mái của hoàng đế Thành Hóa thời Minh, được ông mua tại phiên đấu giá của Sotheby’s Hong Kong năm 2014 với giá 280 triệu HKD (35,6 triệu USD).
Chén khắc dấu “Chế tác thời Thành Hóa Đại Minh”, do nhà vua ra lệnh vùng Cảnh Đức Trấn thực hiện. Các ly này phục vụ vua và số ít phi tần uống rượu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng vua Thành Hóa (1446-1487) thích họa tiết con gà vì chữ gà (kê) hài âm chữ “cát” (may mắn). Ngoài ra, năm đầu tiên ông lên ngôi vua cũng là năm con gà.
Lưu Ích Khiêm từng gây tranh luận khi dùng chiếc chén này uống trà, không ít người gọi ông là “trọc phú khoe giàu”, số khác nói ly trà dùng uống trà là việc thường tình. Trên People Daily, ông cho biết bấy giờ phấn khích vì mua được cổ vật. “Chiếc chén đó đã 600 năm tuổi, có lẽ vua và phi tần từng sử dụng nó, tôi chỉ là muốn trải nghiệm cảm khác kỳ diệu thần tiên một lúc thôi”, doanh nhân nói.
Món đồ gốm đắt đỏ khác của vợ chồng Lưu Ích Khiêm là chiếc bát do vua Khang Hy thời Thanh ra lệnh chế tác, được gõ búa ở mức 238 triệu HKD (hơn 30 triệu USD) tại phiên của Sotheby’s Hong Kong năm 2018.
Theo Ifeng, Lưu Ích Khiêm là một trong nhà sưu tập nổi tiếng thế giới khi sở hữu các tác phẩm đắt giá. Ông có bức thư pháp Bình an của Vương Hy Chi thời Đông Tấn (giá gần 40 triệu USD năm 2010), bức khỏa thân Nu Couché của Amedeo Modigliani (giá hơn 170 triệu USD năm 2015), thời Minh (giá 44,5 triệu USD năm 2014), tranh Đào nguyên của Trương Đại Thiên (giá 34,4 triệu USD năm 2016), tranh Ngũ vương túy quy thời Nguyên giá hơn 47 triệu USD năm 2020).

Bát thời vua Khang Hy của vợ chồng Lưu Ích Khiêm. Ảnh: The Value
99% tác phẩm của ông có được từ đấu giá, hiếm khi mua bán riêng tư. Lưu cho rằng giá của tác phẩm nghệ thuật nên để thị trường quyết định. “Trước đây, tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc thường được giao dịch riêng tư, chuyển nhượng cá nhân, vì thế khó mà xác định được giá trị của nó. Mua bán theo con đường đấu giá công khai sẽ tốt hơn”, Lưu Ích Khiêm nói.
Lưu Ích Khiêm 62 tuổi, quê Thượng Hải, bỏ học thời cấp ba, từng làm tài xế taxi. Ông giàu lên nhờ chơi cổ phiếu, buôn bán bất động sản và dược phẩm. Theo thống kê của hãng nghiên cứu Hurun công bố năm 2024, Lưu Ích Khiêm sở hữu khối tài sản 34,5 tỷ nhân dân tệ (4,7 tỷ USD).
Như Anh (theo Artron, The Value)