Thời tiết nắng nóng nên tôi uống nước đá mỗi ngày. Điều khiến tôi lo ngại là trong nước đá có loại vi khuẩn, virus gây bệnh nào? (Trần Linh, 40 tuổi, Ninh Thuận).
Trả lời:
Đá lạnh là nguyên liệu không thể thiếu trong các món nước như cà phê, sinh tố, nước ép… Uống nước đá lạnh cũng là lựa chọn của nhiều người để hạ nhiệt, giải khát trong mùa nắng nóng. Song nước đá không làm hết khát, còn có nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Lý do, nước đá lạnh nếu làm bằng nước không sạch sẽ hoặc đun sôi có thể chứa các vi khuẩn như E.Coli, Coliforms, Feacal Streptoccoci, tả, thương hàn, Pseudomonas aeruginosa, virus cúm, virus Rota, viêm gan A… Nước đá cũng có thể làm các mạch máu co lại, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và làm chậm quá trình tiêu hóa, gây ra tình trạng khó tiêu, táo bón, đau bụng, tiêu chảy.

Nếu không sử dụng nước sạch làm đá sẽ dễ nhiễm các loại vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng vùng họng. Ảnh: Vecteezy
Uống nước đá lạnh nhiều có thể khiến cơ thể nhiễm các loại vi khuẩn, virus kể trên. Khi gặp môi trường phù hợp hoặc hệ miễn dịch suy yếu, chúng sẽ tấn công, gây bệnh cho con người.
Nhiễm cúm gây ra các triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho. Thông thường, bệnh phục hồi sau 2-7 ngày, ho có thể kéo dài. Tuy nhiên, cúm có thể trở nặng, gây biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng não, suy hô hấp…, cao hơn ở nhóm người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người có bệnh nền mạn tính. Cúm còn có khả năng mở đường cho vi khuẩn phế cầu cư trú ở vùng hầu họng xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Hiện Việt Nam đang sử dụng bốn loại vaccine, giúp phòng các chủng cúm A phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Trong đó, loại của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Người từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO.
Vi khuẩn phế cầu thường cư trú ở vùng mũi họng, thường không gây bệnh. Khi sức đề kháng giảm hoặc sau những điều kiện thuận lợi như niêm mạc bị tổn thương do viêm đường hô hấp trên, nhiễm cúm, viêm xoang…, phế cầu khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công từ đường hô hấp trên xuống phổi. Từ đó, bệnh nhân dễ viêm phổi với các biểu hiện như ho nhiều, sốt cao, ớn lạnh, đau ngực, đau cơ, thở nhanh, vã mồ hôi… có thể diễn tiến suy hô hấp, phải thở máy. Nhiều trường hợp điều trị khỏi, giữ được tính mạng nhưng vẫn để lại những di chứng nặng nề.
Hiện đã có ba loại vaccine phế cầu, gồm: phế cầu phòng 10 chủng, 13 chủng và 23 chủng phế cầu. Trong đó, loại phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, phế cầu 13 tiêm cho trẻ từ 6 tuần và người lớn, phế cầu 23 tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn. Lịch tiêm vaccine tùy theo độ tuổi và lịch sử chủng ngừa. Nên hoàn thành vaccine phế cầu 13 trước khi tiêm phế cầu 23.
Các bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, tả, thương hàn cũng đã có vacicne. Trong đó, vaccine ngừa rotavirus cần hoàn thành trước 8 tháng tuổi, tả và thương hàn tiêm từ 2 tuổi và người lớn.
Nếu lo lắng cho sức khỏe bản thân, cần hạn chế uống nước đá lạnh, nhất là loại không được làm sạch. Mọi người cũng cần thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn các thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động để tăng cường sức đề kháng, tránh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm kể trên. Trong các bệnh có vaccine phòng ngừa, nếu chưa tiêm nên chủng ngừa càng sớm càng tốt.
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo
(Quản lý Y khoa Vùng 4 – Hồ Chí Minh, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC)
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời .