
Vì thành tích, Giải vô địch quốc gia phải tạm dừng để phục vụ cho các đội tuyển trẻ của bóng đá Việt Nam (phải) – Ảnh: N.K.
Cụ thể, nếu chỉ dừng để đội U22 tập trung đá SEA Games 33 tại Thái Lan vào cuối năm nay thì giải sẽ tạm dừng 58 ngày. Còn nếu dừng thêm cho đội U23 Việt Nam dự vòng chung kết (VCK) Giải U23 châu Á 2026 tổng thời gian nghỉ sẽ là 84 ngày.
Điệp khúc 2 năm 1 lần
Cứ hai năm/lần, bóng đá Việt Nam lại xuất hiện các ý kiến xoay quanh việc V-League có nên tạm dừng cho đội tuyển U22 thi đấu SEA Games. Ở bóng đá thế giới, chẳng ai tạm dừng Giải vô địch quốc gia để ưu tiên cho đội trẻ thi đấu.
Trên thực tế LĐBĐ VN (VFF) hay VPF không tự ý quyết định việc tạm dừng các giải đấu để tạo điều kiện cho đội tuyển U22 thi đấu. Điều này gây ảnh hưởng về chuyên môn khi giải đấu liên tục bị ngắt quãng và gián đoạn quá lâu.
Kế hoạch thi đấu và phương án tạm nghỉ đều được VPF gửi tới các CLB để xin ý kiến đóng góp trước khi đưa ra thống nhất tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Như phương án đề xuất giải tạm nghỉ vì SEA Games 33 lẫn VCK Giải U23 châu Á 2026 đã được hội nghị thông qua hôm 10-3 tại Hà Nội.
Nhưng sự thiếu nhất quán từ các CLB đã tạo nên tranh cãi hai năm diễn ra một lần. Dự hội nghị thường là chủ tịch CLB hoặc lãnh đạo CLB chứ ít khi là HLV trưởng vốn nắm chuyên môn chính nên dễ dàng đồng ý với đề xuất mà VPF đưa ra. Sự phản biện nếu có tại hội nghị sẽ rất ít, dẫn đến CLB thi đấu không tốt khi giải diễn ra, HLV chính là người kêu ca nhiều nhất.

Bài toán dành thời gian ưu tiên cho V-League hay đội tuyển quốc gia chưa có hồi kết – Ảnh: TTO
Ảnh hưởng lớn về chuyên môn
Vừa diễn ra bốn vòng đấu, V-League 2023 phải nghỉ 45 ngày để các đội tuyển quốc gia tập trung. Trong đó đội tuyển Việt Nam chỉ tập trung chín ngày. Còn lại là tạo điều kiện để tuyển U22 và U20 chuẩn bị SEA Games 32 và VCK Giải U20 châu Á 2023. Sau đó V-League 2023 chỉ tổ chức thêm ba vòng nữa rồi lại nghỉ hơn một tháng để U22 Việt Nam tranh tài ở SEA Games 32.
Giờ đây để đội tuyển U22 Việt Nam thi đấu ở SEA Games 33 vào cuối năm, V-League 2025-2026 cũng trải qua kỳ nghỉ dài 58 ngày sau khi đá tám vòng. Điều này tiếp tục ảnh hưởng rất lớn về cả chuyên môn lẫn tài chính cho các CLB. Dù tập chay, các CLB vẫn buộc phải trả lương cho cầu thủ, dẫn đến phình quỹ lương không mong muốn. Ngoài ra các HLV phải vất vả tìm đội đá giao hữu để duy trì phong độ và cảm giác bóng cho cầu thủ.
“Điều này không phù hợp với quá trình phát triển của Giải vô địch quốc gia. Việc nghỉ thời gian quá nhiều, lại chỉ nhằm ưu tiên cho đội trẻ thi đấu quốc tế sẽ khiến các CLB bị ảnh hưởng không chỉ về kinh tế khi mùa giải kéo dài hơn mà còn về chuyên môn trong việc bắt nhịp trở lại thi đấu một cách tốt nhất”, đại diện một CLB chia sẻ.
Vòng luẩn quẩn
Với bóng đá Việt Nam, thành tích là điều luôn được trông đợi không chỉ từ cấp quản lý mà từ người hâm mộ. “Người hâm mộ Việt Nam thích bóng đá thắng”, HLV Park Hang Seo từng phát biểu. Vì vậy dễ hiểu tại sao VFF hay VPF ưu tiên tạm dừng các giải đấu trong nước cho đội tuyển U22 Việt Nam tập trung và thi đấu SEA Games hay VCK Giải U23 châu Á.
Nhưng một giải vô địch quốc gia tốt sẽ cho ra một đội tuyển quốc gia mạnh. Do đó sự phát triển của V-League cũng cần được chú trọng thay vì “hy sinh” cho các đội tuyển. Muốn phát triển tốt, V-League cần nâng cao chất lượng chuyên môn, ổn định về lịch thi đấu thay vì bị ngắt quãng quá nhiều như hiện tại.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định: “Việc VFF và VPF quyết định dừng Giải vô địch quốc gia cho SEA Games hay VCK Giải U23 châu Á 2026 không phải chuyện mới. Tôi cho rằng suy cho cùng đó là lựa chọn của một nền bóng đá.
Bóng đá Việt Nam vốn thiếu nhiều thứ, mà quan trọng nhất là nền tảng. Giải vô địch quốc gia chính là nền tảng của nền bóng đá và khi không được chú trọng thì kết quả chúng ta có một nền bóng đá không mạnh. Khi đó chúng ta chấp nhận cạnh tranh ở các giải trẻ. Nó như một vòng luẩn quẩn quấn lấy làm hạn chế sự phát triển của bóng đá nước nhà”.
Lên nhiều phương án ứng phó
Nếu các giải bóng đá phải dừng dài hạn, các CLB chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Dù vậy do đây là chuyện thường xảy ra nên các HLV, quản lý CLB đã có kinh nghiệm ứng phó.
HLV Nguyễn Thành Công (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) cho rằng: “Với CLB Hà Tĩnh, khó khăn nhất chờ đón chúng tôi mỗi khi nghỉ dài hạn là vấn đề sân bãi tập luyện. Ở Hà Tĩnh chỉ có một sân đáp ứng được yêu cầu và nếu phải tập liên tục thì không đảm bảo.
Thông thường chúng tôi sẽ đi tập huấn, thi đấu giao hữu để giữ thể trạng cho cầu thủ trong lúc chờ giải quay lại. Thêm một điều nữa là nếu nghỉ dài như vậy sẽ tăng khả năng V-League đá dồn lịch vào cuối mùa. Vì vậy HLV phải lên nhiều phương án nhằm đối phó với tình trạng đó”.