Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ‘tán thành quy định bắt khẩn cấp để dẫn độ’

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ‘tán thành quy định bắt khẩn cấp để dẫn độ’

bởi

trong

Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Dẫn độ “cơ bản tán thành” quy định về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ.

Sáng 24/5, khi dự thảo Luật Dẫn độ được trình Quốc hội, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an, cho biết lĩnh vực dẫn độ đang được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Qua hơn 16 năm, quy định về dẫn độ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, do đó cần thiết ban hành Luật Dẫn độ.

Một trong những điểm mới là dự thảo luật quy định trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ. Theo đó, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các điều ước quốc tế (mà Việt Nam và nước đó là thành viên) thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, nếu nước yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại luật này.

Văn bản yêu cầu bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ phải có lý do và mục đích; thông tin về tội danh và khung hình phạt; cam kết bồi thường thiệt hại trong trường hợp có oan, sai đối với người bị bắt.

Trường hợp nước yêu cầu chưa ký kết điều ước quốc tế về dẫn độ với Việt Nam thì trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.





Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ‘tán thành quy định bắt khẩn cấp để dẫn độ’

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật. Ông cho rằng đây là quy định mới nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế, bảo đảm việc thực hiện yêu cầu dẫn độ được hiệu quả, tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành chưa có quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức. Để bảo đảm tính thống nhất, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công an phối hợp VKSND Tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Một số thành viên cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dẫn độ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần quy định cụ thể ngay trong luật này về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ.

Quy định về không áp dụng hình phạt tử hình với người bị dẫn độ

Dự thảo Luật đề xuất, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ thì Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đưa ra một trong các thông báo.

Một là, thông báo không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc không bị thi hành hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Hai là, thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ không thuộc trường hợp trên, sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước.

Trường hợp yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an sẽ đề nghị nước này đưa ra cam kết bằng văn bản.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật Dẫn độ. Việc bổ sung quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình, hoặc không thi hành hình phạt tử hình, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dẫn độ, đặc biệt là trước các yêu cầu từ những quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình.

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dẫn độ vào ngày 27/6.





Bộ Công an bàn giao cho cảnh sát Mỹ di lý Polie Phan (một trong 2 nghi phạm gốc Việt bị Interpol truy nã tộiGiết người) về nước, năm 2023. Ảnh: Công an cung cấp

Bộ Công an bàn giao cho cảnh sát Mỹ di lý Polie Phan (một trong 2 nghi phạm gốc Việt bị Interpol truy nã tộiGiết người) về nước, năm 2023. Ảnh: Công an cung cấp

Trước đó, hồi tháng 7/2024, khi , các chuyên gia đa số tán thành, cho rằng nếu luật này có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến việc xử lý tội phạm, đặc biệt là người phạm tội đã bỏ trốn và đang bị truy nã trong các vụ án.

Theo Tiến sĩ luật Nguyễn Hữu Thế Trạch, dự án Luật Dẫn độ đã đưa ra nhiều ưu việt nhằm đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong quá trình thực hiện dẫn độ. Trong đó, đặc biệt nhất là việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại và các điều kiện chặt chẽ trong việc từ chối hoặc chấp nhận yêu cầu dẫn độ, qua đó bảo vệ quyền lợi quốc gia và cá nhân.

Đồng quan điểm về những “nội dung tiến bộ, mang tính quốc tế”, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng dự thảo Luật Dẫn độ còn phù hợp với thực tế Việt Nam đang nâng cao phát triển hội nhập quốc tế và tình trạng tội phạm truy nã xuyên quốc gia ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Dự thảo luật cũng có ý nghĩa trong việc tăng cường công tác ngoại giao giữa Việt Nam với nước ngoài và đảm bảo công tác truy cứu trách nhiệm hình sự ngày càng nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Sơn Hà