Vấn đề pháp lý của thị trường tài chính thay thế tại Việt Nam

Vấn đề pháp lý của thị trường tài chính thay thế tại Việt Nam

bởi

trong

Khung pháp lý chưa hoàn thiện nhưng thị trường tài chính thay thế tại Việt Nam ngày càng mở rộng, trong đó mô hình title lending (cầm đồ) chiếm thị phần chủ yếu.

Hoạt động cho vay thay thế đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng 5 năm gần đây, thị trường này mới được định hình rõ nét. Theo báo cáo hồi cuối tháng 6 của Fiin Group, Việt Nam hiện có bốn mô hình đang hoạt động gồm: vay dựa trên tài sản đảm bảo hay còn gọi là cầm đồ (title lending), vay ngang hàng (P2P Lending), vay ngắn ngày (payday lending) và mua trước trả sau (BNPL).

Thị trường tài chính thay thế ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép 36,8% giai đoạn 2021-2023 với động lực chính đến từ sự mở rộng của các chuỗi cầm đồ thế hệ mới, chiếm gần 60% thị phần. Phân khúc này gồm các cơ sở cầm đồ truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ như F88. Các mô hình còn lại chủ yếu vận hành qua nền tảng số, trong đó payday lending và BNPL phần lớn do doanh nghiệp công nghệ nước ngoài cung cấp.

Dù hoạt động đa dạng, điểm chung của các mô hình này là thủ tục đơn giản, khoản vay nhỏ, ngắn hạn, không yêu cầu thế chấp hay lịch sử tín dụng. Đây cũng là lý do nhiều người gọi đây là thị trường “cho vay dưới chuẩn”.





Vấn đề pháp lý của thị trường tài chính thay thế tại Việt Nam

Chi nhánh của F88 tại số 5 Nguyễn Thị Duệ, phường Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: F88

Các mô hình như payday, BNPL, P2P lending hiện chưa có hành lang pháp lý riêng, phần lớn hoạt động dựa trên hợp đồng dân sự, gây khó khăn cho công tác giám sát và bảo vệ người tiêu dùng. Với P2P lending, từ ngày 1/7, hoạt động này sẽ được đưa vào khuôn khổ thử nghiệm (sandbox) theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Trong bốn phân khúc, title lending là loại hình duy nhất có khung pháp lý tương đối rõ ràng. Theo Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự và Nghị định 96, các doanh nghiệp cầm đồ phải đăng ký kinh doanh, có giấy phép và chịu giám sát địa phương. Baker McKenzie Việt Nam đánh giá mô hình này là có kiểm soát nhờ các yếu tố giấy phép, tài sản đảm bảo và luồng vốn minh bạch.





Nhân viên F88 tư vấn cho khách hàng tới sử dụng dịch vụ. Ảnh: F88

Nhân viên F88 tư vấn cho khách hàng tới sử dụng dịch vụ. Ảnh: F88

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay không vượt quá 20% một năm nếu không có thỏa thuận khác. Thực tế, các doanh nghiệp thường áp dụng lãi suất linh hoạt, tuân thủ khung pháp lý. Tuy nhiên, chi phí ngoài hợp đồng như bảo hiểm, phí quản lý tài sản hay dịch vụ liên kết vẫn chưa được chuẩn hóa, tùy thuộc vào cách vận hành của từng đơn vị.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu các khoản chi này làm tổng chi phí vượt khung, doanh nghiệp có thể rơi vào vùng rủi ro pháp lý, thậm chí bị truy cứu nếu cấu thành hành vi cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên đánh đồng tất cả mô hình không phải ngân hàng đều rủi ro như nhau. Yếu tố phân biệt là mức độ minh bạch và lựa chọn hành lang pháp lý.

Các doanh nghiệp vận hành minh bạch, có kiểm toán, quy trình nội bộ rõ ràng thường được đánh giá cao hơn do dễ kiểm soát rủi ro. Trên thị trường vốn, điều này cũng giúp họ có định giá tốt hơn so với nhóm hoạt động ngoài vùng kiểm soát.

Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ hay Thái Lan, các mô hình như P2P lending, BNPL hay title lending đều từng phát triển trong vùng xám pháp lý trước khi được luật hóa thành một phần trong hệ sinh thái tài chính. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp thường tự hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và minh bạch vận hành như một cách đón đầu quy định pháp lý.

Theo Fiin Group, thị trường tài chính thay thế tại Việt Nam còn nhiều dư địa nhất là với nhóm dân cư chưa thể tiếp cận tín dụng truyền thống. Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trong bối cảnh đó, việc doanh nghiệp lựa chọn con đường tuân thủ và kết nối với hệ thống giám sát sẽ là yếu tố quan trọng giúp phân hóa thị trường, nâng cao định giá và xây dựng niềm tin với nhà đầu tư.

Tuệ Anh