Từ “hát bội xuống thuyền”
Những ngày sau Tết Nguyên đán vừa rồi, du khách đến tham quan TP.HCM có dịp xuống thuyền hai tầng, được gọi với tên mới là “buýt trên sông”, vừa thưởng lãm vẻ đẹp quyến rũ hai bên bờ sông Sài Gòn lúc chiều tà lại vừa tận mắt xem những diễn viên hát tuồng (hát bội) biểu diễn ngay trên thuyền mà lâu nay chỉ gặp họ trên… ti vi.

Hát bội trên thuyền du lịch sông Sài Gòn
ẢNH: MỘC KHẢI
Đáng chú ý, khách xuống thuyền để xem hát tuồng không chỉ có người VN mà có cả những du khách ngoại quốc. Họ xem với tâm thế vừa tò mò vì thấy quá lạ lẫm với những diễn viên mang hia đội mũ “không giống ai”, lại vừa thích thú với điệu bộ qua từng câu hát lúc bổng khi trầm, lúc thúc giục như ngựa phi khi khoan thai như sắp rũ bỏ mọi lụy phiền nhân thế.
Có lẽ những nhà tổ chức “hát bội xuống thuyền” này cũng thật sự bất ngờ vì giá mỗi vé trên tầng 2 là 499.000 đồng nhưng phải đặt trước, nếu chậm chân thì phải đợi lần sau. Giá “chát” như vậy lại chỉ kéo dài 45 phút thì phải tua vòng khác, nhưng lúc nào “buýt trên sông” cũng chật ních khán giả. Từ một loại hình nghệ thuật chỉ diễn xướng trong cung đình phục vụ vua chúa và giới quý tộc thời phong kiến, hát bội đã thoát ra khỏi những gò bó trong không gian “chật hẹp” ấy để bước ra sân khấu phục vụ đông đảo quần chúng mà không phân biệt tầng lớp, trẻ già. Và bây giờ, hát bội lại “bước xuống thuyền” để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Hát bội là một loại hình nghệ thuật không quá kén khán giả vì nội dung của các vở tuồng đa số lấy trong các tích xưa. Khác với kịch, nội dung vở tuồng được khán giả biết trước kết cục của nó nhưng vì sao người ta lại mê đến thế này: “Hát bội hành tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con”! (ca dao Nam Trung bộ). Người ta đi xem hát bội không phải để biết nội dung của nó thế nào mà chủ yếu là xem cách diễn của diễn viên, cách chơi các loại nhạc cụ của nhạc công, nhất là tiếng trống chầu có điêu luyện, có “phê” hay không. Chính vì sự hấp dẫn của hát bội không chỉ nằm ở phần nội dung như thế nên khách nước ngoài luôn háo hức trước mỗi động tác của diễn viên.
Từ cung đình đến sân khấu ngoài trời rồi bước hẳn xuống thuyền, hát bội đã tìm ra lối thoát cho mình để có thể duy trì và bảo tồn được một loại hình nghệ thuật đặc sắc của cha ông. Hơn thế nữa, hát bội ngày nay còn đóng vai trò làm cầu nối với thế giới thông qua cách tổ chức biểu diễn trên một không gian mới như cách mà các nhà tổ chức ở TP.HCM đã và đang làm trên sông Sài Gòn từ sau Tết Nguyên đán.
Đến “múa rối nước bắn B-52”
Ở làng Đào Thục thuộc H.Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km, có một ngôi làng thuần nông nhưng lại lưu giữ một báu vật của tiền nhân suốt 300 năm qua: Múa rối nước. Người dân ở làng Đào Thục này không chỉ chuyên làm đạo cụ phục vụ múa rối mà còn trực tiếp biểu diễn cho du khách. Đã 3 thế kỷ qua, ngôi làng xinh xắn ấy luôn rộn ràng mỗi dịp xuân về hoặc mỗi khi có lễ hội với các vở diễn múa rối nước ngay trước sân đình làng.

Múa rối nước ở làng Đào Thục
ẢNH: THẾ VĂN
Cũng là diễn cho nhau xem nhưng từ 20 năm nay, làng Đào Thục có “món mới”. Tổng đạo diễn cho “món mới” này không ai khác là ông Đinh Thế Văn, nguyên tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn tên lửa, người đã cùng ê kíp bắn rơi 4 máy bay B-52 trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vào mùa đông năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.
Sau khi về hưu năm 1989, ông Đinh Thế Văn tiếp tục công việc của cha mình là sản xuất các con rối. Khi đất nước mở cửa, nhiều du khách ngoại quốc ghé làng Đào Thục để xem rối nước, trong đó có các cựu binh từng là phi công Mỹ. Ông Văn chợt nghĩ, tại sao mình không dựng lại vở “đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội” cho các cựu phi công Mỹ này xem. Rồi ông bắt tay vào soạn kịch bản, chuẩn bị đạo cụ phục vụ vở diễn. Vốn dĩ là tiểu đoàn trưởng, từng chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972, ông Đinh Thế Văn như cá gặp nước khi bắt tay dàn dựng vở rối nước này.
Vở rối nước “đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội” lập tức thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài. Thông qua các phương tiện truyền thông, nhiều cựu binh Mỹ, trong đó có những phi công từng tham chiến tại VN, ghé xem và vô cùng thán phục về sự sáng tạo của vị đại tá cao tuổi. Chỉ mấy con rối thôi mà đã làm “dậy sóng mặt hồ” và cũng làm “dậy sóng” bao con tim cựu binh Mỹ sau một lần trực tiếp xem vở diễn tại hồ bán nguyệt nơi sân đình của làng Đào Thục.
“Dựng vở rối nước này, tôi muốn nhắc cho thế hệ trẻ hôm nay không quên truyền thống đánh giặc đầy sáng tạo của cha ông”, ông Đinh Thế Văn nói như thế khi chúng tôi hỏi ông chung quanh câu chuyện rối nước ở làng Đào Thục từ 13 năm trước.
Cũng xin được nói thêm là, sau loạt bài của Thanh Niên đăng vào tháng 12.2012 nhân 40 năm trận “Điện Biên Phủ trên không”, trong đó có nhắc đến sự quên lãng về người tiểu đoàn trưởng đánh B-52 đầy sáng tạo này, ngay năm sau, năm 2013, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Đinh Thế Văn.
Mỗi năm nước ta đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế. Các loại hình nghệ thuật như hát tuồng, hát bài chòi, múa rối nước… đã đóng góp không nhỏ vào vào việc làm cầu nối để kéo du khách về mình. Vừa thu hút du khách, vừa giữ gìn được hồn cốt của dân tộc bằng các loại hình văn hóa phi vật thể, các nghệ sĩ, các nghệ nhân dân gian xứng đáng là những “sứ giả” của văn hóa hôm nay.