
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc – Nam, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng cũng kiên quyết không thay đổi mốc thời gian khởi công dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng năm 2025 và ĐSTĐC Bắc – Nam năm 2026. Với tinh thần này và nhìn vào những gì Chính phủ đương nhiệm đã và đang “thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” với cao tốc Bắc – Nam, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, trong vòng 5 – 10 năm tới, hệ thống đường sắt đô thị, ĐSTĐC sẽ được xây dựng, đưa vào sử dụng, lột xác giao thông các tỉnh/thành cũng như cả nước.
Nhìn lại nhiều thập niên qua, có thể nói sự phát triển mạnh mẽ của giao thông đường bộ và hàng không đã khiến đường sắt tại VN ít được quan tâm, thậm chí bị lãng quên. Lãnh đạo ngành giao thông đã từng thừa nhận, suốt một thời gian dài, không có một dự án lớn nào đầu tư cho ngành đường sắt, việc cải tạo nâng cấp cũng chỉ là những dự án đơn lẻ. Dự án ĐSTĐC Bắc – Nam cũng chật vật hàng thập niên mới được thông qua, các tuyến đường sắt đô thị thì chậm tiến độ, đội vốn kinh niên.
Trong khi đường sắt thực tế đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hiện nay, đường sắt được rất nhiều quốc gia đẩy mạnh bởi tiết kiệm năng lượng gấp nhiều lần so với vận tải đường bộ. Đặc biệt, chi phí vận tải đường sắt rẻ hơn nên không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp cũng chọn làm phương thức vận chuyển hàng hóa. Tại VN, những thời điểm như lễ, tết, đường sắt vẫn gánh một khối lượng vận tải hành khách rất lớn… Đường sắt đô thị lại càng quan trọng. Lấy ngay TP.HCM, dù chỉ mới có tuyến metro số 1 đưa vào vận hành đã mang lại kết quả nổi bật cho giao thông trên địa bàn. Thống kê cho thấy, sau 3 tháng, tuyến metro số 1 đã thực hiện 15.324 chuyến tàu với trung bình 348 lượt khách/chuyến, tổng lượng khách đi tàu đạt hơn 5,3 triệu lượt. Các con số này đồng nghĩa với hàng triệu phương tiện cá nhân đã chuyển sang đi metro, góp phần đáng kể vào việc giảm kẹt xe, ùn tắc, giảm phát thải vào bầu không khí mà người dân TP đang hít thở mỗi ngày. Tuyến ĐSTĐC Bắc – Nam, trục xương sống của đất nước, còn tác động đến KT-XH lớn gấp nhiều lần. Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, kết nối các thị trường, tạo ra hành lang phát triển mới, Ngân hàng Thế giới khẳng định, ĐSTĐC trục Bắc – Nam sẽ góp phần giảm áp lực dân số và quá tải hạ tầng tại các đô thị. Các đô thị sẽ được tái cấu trúc, phân bố lại dân cư, mở ra nhiều không gian mới để phát triển kinh tế dọc theo tuyến, tạo thêm quỹ đất; thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch; giải quyết hiệu quả làn sóng di dân vào các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Có nhiều nguyên nhân nhưng không thể phủ nhận, bị “bỏ rơi” là một trong những nguyên nhân khiến đường sắt lạc hậu, ì ạch suốt nhiều năm qua. Thế nên sự khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ chế đặc thù cho mọi loại hình đường sắt hiện nay đang mang tới một vận hội mới cho đường sắt tăng tốc. Đó cũng chính là vận hội của giao thông, của tăng trưởng kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới.