Vấn nạn đỗ ôtô chiếm nửa lòng đường ở Hà Nội

Vấn nạn đỗ ôtô chiếm nửa lòng đường ở Hà Nội

bởi

trong
Vấn nạn đỗ ôtô chiếm nửa lòng đường ở Hà Nội

Nhiều người sắm ôtô nhưng quên giải quyết câu hỏi: ‘Mình đã có chỗ đỗ xe chưa’.

Mỗi sáng bước ra khỏi nhà, điều tôi nhìn thấy đầu tiên không phải là ánh nắng chan hòa hay hàng cây nghiêng bóng, mà là một dãy ôtô đỗ san sát chiếm gần nửa lòng đường.

Ngay trên phố tôi sống – một con phố vốn dĩ yên ả – giờ trở nên chen chúc, ngột ngạt, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. Ôtô đỗ kín một nửa đường, xe máy len lỏi giữa dòng, người đi bộ không còn vỉa hè để đi.

Cứ đến giờ tan tầm, phố tôi lại biến thành “lối thoát hiểm” của các tài xế muốn tránh kẹt xe từ trục đường Quang Trung (Hà Nội). Kết quả là trẻ nhỏ không thể chơi ngoài sân, người lớn không dám ra đường và cảm giác an toàn trong chính khu phố mình sống cũng dần biến mất.

Đây không phải chuyện lẻ tẻ từ ngõ nhỏ đến phố lớn, từ Hà Nội tới TP HCM, đâu đâu cũng bắt gặp tình trạng tương tự, khi tốc độ sở hữu ôtô cá nhân tăng chóng mặt, nhưng chỗ đỗ thì vẫn ở lại… thời bao cấp.

Nhiều người mua xe xong thì… “quên” chưa nghĩ đến chỗ gửi, hay lười đi gửi xe ở những bãi xa, rồi cứ để ngoài đường dù cực dễ bị xử phạt. Để phạt nghiêm, trước hết phải có nơi để gửi xe.

Theo quy định, những vị trí được phép dừng, đỗ xe, tài xế phải dừng, đỗ xe sát theo lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường vỉa hè không quá 0,25m. Nếu vi phạm, tài xế sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng với hành vi dừng xe và 800.000-1 triệu đồng khi đỗ xe.

Thực tế đã có nhiều ôtô bị lập biên bản, thậm chí xe cẩu đi, nhưng tình trạng vẫn lặp lại: phạt rồi vẫn đỗ, đỗ rồi vẫn bị phạt. Phạt nguội mức tiền cao nhưng thiếu bãi xe hợp lý, người dân vẫn đỗ xe ngoài đường. Camera phạt nguội được lắp khắp nơi, nhiều phương tiện đã bị cẩu, bị dán giấy cảnh cáo.

Thế nhưng, phạt vẫn chưa khiến nhiều người sợ. Vì sao? Vì họ không có lựa chọn. Các bãi gửi xe quá xa nhà, hoặc giá quá cao. Nhiều nơi thậm chí không có bãi nào.

Trong khi đó, việc sở hữu ôtô vẫn không cần chứng minh có chỗ đỗ. Hệ quả là hàng vạn chiếc xe “lang thang” ngoài đường mỗi đêm, đỗ tạm, đỗ chui, đỗ bất chấp rồi lại bị phạt, lại đỗ tiếp. Một vòng lặp… vô tận.

Thay vì chỉ xử lý phần ngọn bằng việc phạt hành chính, cần một loạt giải pháp căn cơ, quyết liệt nhưng cũng thực tế để giải quyết tận gốc vấn đề chỗ gửi xe.

Tận dụng không gian hiện có. Tầng hầm tòa nhà, chung cư, trung tâm thương mại cần được khai thác tối đa sau giờ làm có thể mở cửa cho dân cư xung quanh gửi xe ban đêm.

Gầm cầu, sân vận động, đất trống trong các công viên, cơ quan nhà nước có thể chuyển đổi linh hoạt thành bãi xe tạm thời hoặc lâu dài. Triển khai mô hình “chia sẻ chỗ đậu xe” (parking sharing) thông qua các ứng dụng điện thoại, để người dân tự cho thuê bãi đỗ cá nhân (như khoảng sân nhà, gara trống…).

Xây dựng bãi xe thông minh, tầng cao hoặc ngầm. Tham khảo mô hình của Nhật, Hàn Quốc: bãi đỗ xe thông minh theo chiều cao hoặc ngầm dưới đất, diện tích nhỏ nhưng sức chứa lớn. Nhà nước nên ưu tiên quy hoạch đất “xanh” cho bãi đỗ xe, bởi bãi xe văn minh hôm nay chính là một thành tố quan trọng của đô thị văn minh ngày mai.

Miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp xây bãi đỗ xe.

Cần khẩn trương rà soát quỹ đất công, giao thông, văn hóa, dựng bãi tạm và dài hạn. Ưu đãi thuế, hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp, tòa nhà tham gia mô hình “ôtô có chỗ gửi” quanh khu dân cư – trung tâm – khu đô thị. Kết nối hệ thống bản đồ đỗ xe, thu phí minh bạch. Dùng phạt nguội, camera hiệu quả hơn để xây dựng văn hóa giao thông văn minh.

Ứng dụng bản đồ số hiển thị vị trí, sức chứa, giá cả của các bãi gửi xe thời gian thực, minh bạch và tiện lợi.

Với từng cá nhân: trước khi mua ôtô, hãy tự hỏi: “Mình đã có chỗ đỗ chưa?” Nếu chưa, hãy cân nhắc các hình thức đi chung, thuê xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng; nếu đã có xe, hãy tự ý thức đỗ xe văn minh, không vì tiện cho mình mà bất tiện cho cả khu phố.

Nếu để mỗi chiếc ôtô nằm ngoài đường như “một đứa trẻ không nhà”, thì chính đô thị ấy sẽ trở nên vô trật tự, vô văn hóa. Không một thành phố hiện đại nào phát triển nổi nếu xe đỗ tràn vỉa hè, người đi bộ không có lối và trẻ em thì không thể chơi trước cửa nhà.

Hạ tầng – Xử phạt – Ý thức: Bộ ba không thể tách rời. Hạ tầng chưa đầy đủ, người dân không gửi xe, đỗ xe ở lòng đường. Phạt nghiêm mà không đi kèm giải pháp chỗ gửi thì chỉ giải quyết được phần ngọn. Nâng cao ý thức giúp duy trì giải pháp bền vững.

Nếu chỉ phạt mà không cung cấp chỗ gửi, không cải thiện hệ thống, mọi con đường vẫn ngoằn ngoèo bởi xe đỗ. Giống như xây nhà mà không có lối vào, chỉ khiến người dân tìm đường đi vòng vèo. Chúng ta không thể xây dựng văn hóa giao thông văn minh nếu chỉ trông cậy vào biện pháp xử phạt.

Việc phạt nghiêm quan trọng, nhưng không bao giờ hiệu quả nếu không giải quyết triệt để phần gốc: chỗ gửi xe. Khi hạ tầng, quản lý, ý thức cộng đồng đủ đầy và đồng bộ, chúng ta mới kỳ vọng được những con phố không còn xe đỗ lấn chiếm, giao thông hoạt động trôi chảy và đô thị văn minh thực sự.

Hãy cho người dân nơi đỗ xe rồi mới phạt khi họ sai. Hãy xây hạ tầng song song với xây ý thức. Hãy cùng nhau làm lại từ những con phố nhỏ, để rồi một ngày, tất cả thành phố lớn lên, văn minh hơn không vì ai bị phạt nhiều hơn, mà vì không còn ai đáng bị phạt nữa.

Vũ Thị Minh Huyền