Vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

bởi

trong

Sáng nay 12.7, giá vàng thế giới tăng 5 USD/ounce so với hôm qua, lên 3.354,88 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 106,3 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).

Vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Giá mỗi lượng vàng miếng trong nước đang cao hơn thế giới 15,2 triệu đồng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trong khi đó, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào và bán ra lần lượt ở mức 119,5 triệu đồng/lượng và 121,5 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với hôm qua. 

Hiện, giá mỗi lượng vàng miếng trong nước đang cao hơn thế giới 15,2 triệu đồng. Trước đó, ngày 11.7, giá vàng miếng trong nước cũng cao hơn thế giới 15,5 triệu đồng/lượng. 

Liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, hồi cuối tháng 5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1 – 2%, không thể để trên 10% như trước đó.

Tại công điện ngày 6.7 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, người đứng đầu Chính phủ lại yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15.7.

Bộ Công an đề nghị thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng 3 năm lần

Dù vậy, trên thực tế, vài tháng trở lại đây, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa có cải thiện đáng kể.

Tại Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP nằm trong hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP (sau đây gọi là dự thảo nghị định) được công bố ngày 11.7, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều lý giải xung quanh vấn đề này.

Theo đó, từ đầu tháng 4 đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có xu hướng tăng cao.

Các nguyên nhân gồm: tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ, xung đột chính trị thế giới căng thẳng; không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi…

“Thị trường đang có những biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng. Tuy nhiên, những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý, có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền khi cần thiết”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Biến động vàng ngày 11.7: Vàng nhẫn giữ trên 118 triệu đồng mỗi lượng

Trước đó, từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014 – 2021, từ cuối năm 2021 đến tháng 4.2024, chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%).

Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá thu hẹp chỉ còn khoảng 3 – 5 triệu đồng/lượng. Trong 3 tháng đầu năm nay, chênh lệch này đã giảm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.

Tính đến cuối quý 1/2025, có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng với 2.564 địa điểm trên toàn quốc.

Trong số 22 tổ chức tín dụng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước hầu như không tham gia kinh doanh mua, bán vàng miếng từ năm 2012 cho đến tháng 6.2024 (khi tham gia mua vàng miếng trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước để bán can thiệp thị trường).