
Toàn cảnh tuyến Vành đai 3 (đoạn phía Tây) trên địa bàn TPHCM do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông TPHCM) làm chủ đầu tư. Đoạn tuyến này dài 32,8km, từ cầu Bình Gởi đến cầu kênh Thầy Thuốc.

Trong ảnh là cầu Bình Gởi, hạng mục cầu vượt sông Sài Gòn, thuộc dự án thành phần 3.

Bên phía bờ Đông của cầu Bình Gởi, đơn vị thi công đang cắm bấc thấm để xử lý nền đất yếu. Quá trình cắm bấc thấm, gia tải, chờ lún, dỡ tải… sẽ tốn thêm nhiều tháng. Đây là hạng mục có rủi ro chậm tiến độ nhất trên toàn tuyến Vành đai 3.

Công trường thi công đường dẫn cầu Bình Gởi phía xã Bình Mỹ. Hết phần đường dẫn của cầu Bình Gởi là đến phạm vi dự án thành phần 1.

Đơn vị thi công dùng ống xối nước và cát vào nền đường Vành đai 3.

Hạng mục hầm chui tỉnh lộ 15 cắt qua Vành đai 3 tại xã Phú Hòa Đông, TPHCM. Tại các nút giao, nhà thầu phải có giải pháp vừa đảm bảo thi công, vừa duy trì việc đi lại của người dân.

Một trong những nút giao phức tạp nhất trên tuyến Vành đai 3 TPHCM là nút giao Tân Vạn.

Đây là nút giao có quy mô lớn, từ nay đến cuối năm, công trình này cần được hoàn thiện phần cầu vượt cắt qua quốc lộ 1.

Một đoạn Vành đai 3 đi xuyên qua khu đô thị Vinhomes Grand Park. Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, đoạn Vành đai 3 qua khu vực này đã được xử lý xong nền đất. Công việc hiện nay là lao, lắp dầm, thi công cầu cạn. Nếu duy trì “3 ca, 4 kíp” ở giai đoạn thảm nhựa mặt đường, đoạn này có thể hoàn thành vào ngày 19/12.

Trên địa bàn Tây Ninh (tỉnh Long An cũ), nút giao Vành đai 3 với cao tốc TPHCM – Trung Lương và cao tốc Bến Lức – Long Thành đã hoàn thành một phần. Sau khi đoạn Vành đai 3 này (dự án thành phần 7) được hoàn thành, toàn bộ nút giao sẽ được đưa vào khai thác.

Đoạn Vành đai 3 dài 6km qua Tây Ninh (tỉnh Long An cũ) đang đạt tiến độ khả quan, có thể về đích vào cuối năm nay. Nhà thầu đang hoàn thiện đến lớp bê tông nhựa mặt đường.

Đoạn Vành đai 3 từ cầu Nhơn Trạch đến nút giao kết nối vào cao tốc TPHCM – Long Thành cũng gần hoàn thiện. Dự kiến đây là đoạn tuyến đầu tiên của Vành đai 3 TPHCM được đưa vào khai thác.

Trước đó, cầu Nhơn Trạch nối TPHCM với Đồng Nai (thuộc dự án thành phần 1A) đã được thông xe kỹ thuật từ cuối tháng 4.

Tuyến Vành đai 3 trên địa bàn TPHCM (dự án thành phần 1) ban đầu được chia thành 2 đoạn. Đoạn phía Đông từ nút giao Tân Vạn đến nút giao cao tốc TPHCM – Long Thành (dài 14,7km) được thiết kế chủ yếu là cầu cạn nên không gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát cũng như xử lý nền đất yếu.
Trong khi đó, đoạn phía Tây dài 32,8km gặp nhiều khó khăn hơn do phải xử lý nền đất yếu và khan hiếm nguyên vật liệu.

Các hạng mục chính đang thi công trên tuyến Vành đai 3 TPHCM (Đồ họa: Ngọc Tân).
Thời điểm khởi công, dự án Vành đai 3 TPHCM đi qua 4 tỉnh, thành, gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Từ ngày 1/7, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM được sáp nhập thành TPHCM mới.
Tổng thể tuyến Vành đai 3 TPHCM gồm 75km đang được thi công, một phần đi trùng với cao tốc Bến Lức – Long Thành và một phần đi trùng với đường Tân Vạn – Mỹ Phước.
Chính phủ và các địa phương đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, không chỉ để “khép mạch” Vành đai 3 TPHCM sau nhiều năm mong đợi mà còn để đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025.