Lấy thể thao nuôi thể thao
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền VN, việc xây dựng hình ảnh cá nhân đang trở thành nhu cầu tất yếu với VĐV chuyên nghiệp. Khi VĐV có hình ảnh chỉn chu, truyền cảm hứng, họ không chỉ được công chúng yêu mến mà còn trở thành gương mặt thu hút các thương hiệu lớn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phần lớn VĐV VN hiện nay vẫn chủ yếu sống bằng lương, tiền công tập luyện từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương – đều vốn rất hạn chế. Những khoản thu từ tài trợ hay quảng cáo chính là nguồn thu lớn và bền vững hơn, giúp VĐV không còn phải “chạy ăn từng bữa”. Không chỉ dừng lại ở vai trò quảng bá sản phẩm, VĐV còn có thể khai thác chính mạng xã hội để tạo thêm thu nhập. Những kênh YouTube, TikTok, Facebook được vận hành bài bản sẽ trở thành nền tảng để hợp tác quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm cá nhân, xây dựng thương hiệu riêng.

“Nữ hoàng điền kinh” Nguyễn Thị Huyền thu hút lượng tương tác lớn khi cô giới thiệu sản phẩm kính thể thao thông minh trên trang cá nhân
ẢNH: FBNV
Việc có hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp từ khi còn thi đấu cũng là hành trang quý giá cho VĐV sau khi giải nghệ. Rất nhiều ngôi sao quốc tế như danh thủ bóng đá David Beckham; VĐV quần vợt danh tiếng Serena Williams, Maria Sharapova… đã chuyển hướng thành công sang kinh doanh, truyền thông nhờ giá trị thương hiệu cá nhân được xây dựng kỹ lưỡng từ thời đỉnh cao. Khi có được nền tảng kinh tế vững vàng, VĐV có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho thể thao. Lúc còn thi đấu, họ sẽ có nguồn để tái đầu tư như mua thực phẩm bổ sung, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để kéo dài sự nghiệp. Đến khi giải nghệ, nguồn kinh tế ổn định có thể giúp họ tiếp tục đi học thêm bằng HLV hoặc các chứng chỉ khác để tiếp tục gắn bó với thể thao. Với những VĐV có nền tảng kinh tế ở mức dồi dào, họ hoàn toàn có thể trở thành nhà đầu tư, ông chủ của các CLB…
Một chuyên gia về kinh tế thể thao chia sẻ: “Khi tạo dựng được hình ảnh chuyên nghiệp, lúc giải nghệ, nếu VĐV chuyển đổi sang lĩnh vực mới như kinh doanh hay đầu tư… sẽ dễ dàng mở rộng quan hệ và nhận được sự tin tưởng từ các đối tác và truyền thông, có thể mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới. Đồng thời, cựu VĐV đó có cơ hội tiếp tục duy trì tình yêu của người hâm mộ, tiếp tục trở thành người có ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình và vẫn có thể thu hút tài trợ, quảng cáo”.
Tác động tích cực
Khi xây dựng được hình ảnh tốt trên mạng xã hội, VĐV không chỉ cải thiện thu nhập của bản thân để tiếp tục phát triển sự nghiệp, chăm lo cho gia đình mà còn tạo ra những giá trị lớn lao khác cho nền thể thao cũng như xã hội. Vị lãnh đạo của Liên đoàn Bóng chuyền VN đánh giá: “Từ nền tảng đó, VĐV sẽ yên tâm tập luyện, có khả năng nâng cao thành tích cá nhân. Hình ảnh đẹp của VĐV đóng góp nhiều vào việc xây dựng hình ảnh của thể thao VN với công chúng trong và ngoài nước. Khi đạt được điều đó, VĐV cũng sẽ thu hút nhà tài trợ. Nhờ vậy, môn thể thao và VĐV đó tham gia cũng thu hút thêm sự quan tâm. Nhà tài trợ, quảng cáo sẽ bắt đầu đổ vào, tạo ra các nguồn thu để đầu tư lại cho chính môn thể thao đó. Khi xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp đối với người hâm mộ, đồng thời các VĐV cũng chính là người truyền cảm hứng cho các tài năng trẻ để chuyên tâm với sự nghiệp của mình. Mặt khác cũng thúc đẩy các phong trào thể thao trong quần chúng, học đường phát triển”.
Tuy nhiên, để việc xây dựng hình ảnh của VĐV trở thành xu hướng bền vững và hiệu quả, không thể thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, mà mô hình lý tưởng nhất là nên bao gồm nhiều phía cùng tham gia. Đầu tiên, gia đình và cơ sở đào tạo cần định hướng từ sớm, nuôi dưỡng tinh thần chuyên nghiệp và tính cách phù hợp cho VĐV. Tiếp theo, ngành thể thao cần tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ tài chính, chính sách sau giải nghệ.
Về phía người đại diện hoặc công ty quản lý, họ cần biết định hình thương hiệu cá nhân cho VĐV, tham gia vào khâu đàm phán hợp đồng (chuyên môn cũng như thương mại), đảm bảo các quyền lợi, an toàn pháp lý cho VĐV. Các đơn vị truyền thông và mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng khi là những người truyền tải hình ảnh đẹp, thông điệp nhân văn của VĐV đến công chúng, qua đó tạo ra cầu nối cho VĐV với người hâm mộ và doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp, nhãn hàng cũng không thể thiếu khi đầu tư tài chính, xây dựng chiến lược dài hơi cùng VĐV. Đặc biệt, người hâm mộ sẽ là yếu tố then chốt tạo nên độ phủ và giá trị cảm xúc của thương hiệu VĐV.
Muốn các mắt xích này vận hành hiệu quả, cần có một cơ quan trung gian điều phối. Đây có thể là tổ chức trực thuộc nhà nước, giữ vai trò kết nối, hướng dẫn và kiểm soát quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Đồng thời, phải có bộ khung pháp lý rõ ràng về hợp đồng thương mại, quyền sở hữu hình ảnh, thuế và trách nhiệm xã hội…
Một số liên đoàn thể thao đang làm tốt
Một số liên đoàn đang tích cực hỗ trợ VĐV trong việc xây dựng hình ảnh, cải thiện thu nhập. Liên đoàn Điền kinh VN luôn tạo điều kiện cho các VĐV tham gia các sự kiện, thông qua đó quảng bá được hình ảnh của VĐV, đồng thời tăng thu nhập cho họ. Liên đoàn còn chủ động xây dựng kênh truyền thông riêng và qua đó xây dựng hình ảnh cho các VĐV. Có chính sách động viên, khuyến khích VĐV khi hợp tác với các nhà tài trợ.
Liên đoàn Bóng đá VN tổ chức các khóa đào tạo cho các VĐV sau giải nghệ, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho VĐV từ khi thi đấu đến lúc kết thúc sự nghiệp chuyển sang HLV. Liên đoàn Bóng chuyền VN cũng xây dựng hệ thống kênh truyền thông riêng, phối hợp với các đơn vị truyền thông để quảng bá cho các VĐV, thông qua đó tạo điều kiện cho các VĐV có cơ hội thi đấu nước ngoài cũng như tìm kiếm được các nhà tài trợ, quảng cáo.