VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: Từ sân đấu đến mạng xã hội

VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: Từ sân đấu đến mạng xã hội

bởi

trong

CÂU CHUYỆN THÚ VỊ TỪ ÁNH VIÊN

Nếu cần ví dụ sinh động về sự khác biệt giữa hình ảnh lúc VĐV khi thi đấu và trên mạng xã hội, hãy nhìn vào kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Trong hai bức ảnh được chính cô chia sẻ đầu năm 2025, người hâm mộ bắt gặp hình ảnh đối lập đáng suy ngẫm. Năm 2015, cô gái sinh năm 1996 đứng trên sân khấu, nhận giải thưởng ở Cúp Chiến thắng với gương mặt mộc, mái tóc đơn giản, phong thái khá rụt rè. 9 năm sau, cũng tại gala trao giải Cúp Chiến thắng, Ánh Viên khi đó đã giải nghệ, xuất hiện với tư cách khách mời đặc biệt khiến tất cả phải trầm trồ. Cô rạng ngời trong bộ váy trắng thanh lịch, trang điểm kỹ lưỡng, thần thái tự tin. Hình ảnh ấy như một lát cắt của hành trình chuyển mình: từ một VĐV chuyên nghiệp sang nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.

VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: Từ sân đấu đến mạng xã hội

Hai phiên bản Ánh Viên hoàn toàn khác nhau, cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa sân đấu và mạng xã hội

ẢNH: FBNV

Thành công của Ánh Viên trên mạng xã hội không chỉ dựa trên cơ sở là những thành tích vang dội của cô trong quá khứ, mà còn là quá trình xây dựng hình ảnh, tạo dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng số. Cô là minh chứng rõ ràng cho “một cuộc cách mạng” thay đổi hình ảnh bản thân. Muốn thành công trên mạng xã hội, VĐV ngoài danh tiếng có sẵn, còn phải nhờ đến sự đầu tư, chiến lược bài bản và đội ngũ hỗ trợ phù hợp, chuyên nghiệp, thiện chiến.

Ánh Viên từng là cái tên gần như không có đối thủ ở đường đua xanh của Đông Nam Á. Nhưng khi bước ra khỏi sự nghiệp VĐV đỉnh cao, ánh hào quang thành tích không còn, cô phải tự học cách làm mới mình. Bằng sự chủ động, cùng sự hỗ trợ của ê kíp quản lý truyền thông, cô dần trở thành người truyền cảm hứng, xây dựng kênh cá nhân với những nội dung gần gũi, chuyên nghiệp.

Ánh Viên đã thực sự “lột xác”. Từ một cô gái rụt rè, ngại giao tiếp, giờ đây cô xuất hiện trên mạng xã hội với phong thái cực kỳ tự tin để chia sẻ về phương thức tập luyện, cuộc sống đời thường… Những bài đăng đều được đầu tư nội dung chỉn chu, hình ảnh đẹp, xây dựng được màu sắc riêng, yếu tố mà những thương hiệu ngày nay đặc biệt tìm kiếm. Giờ đây, nhắc đến Ánh Viên, người hâm mộ không chỉ nhắc đến những thành tích lẫy lừng, những kỷ lục mà còn là câu nói thân thuộc, gần gũi: “Dễ lắm, để Viên chỉ cho”. Rõ ràng, cô đang đạt được thành công nhất định trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội.

Không phải tự nhiên mà Ánh Viên có thể “lột xác” một cách mượt mà như vậy. Tất cả đều nhờ phía sau cô là ê kíp truyền thông, đội ngũ giúp cô định hình thông điệp hình ảnh cá nhân, kiểm soát nội dung, giữ được sự tích cực và tạo ra ảnh hưởng một cách bền vững.

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA Ê KÍP

Ở VN, nhiều VĐV trẻ vẫn đang tự xoay xở mọi việc: từ thi đấu, luyện tập cho đến trả lời báo chí, lên kế hoạch nội dung mạng xã hội, tìm đối tác thương mại… Điều này khiến họ dễ mất tập trung chuyên môn và gặp khó khăn khi xử lý khủng hoảng truyền thông. Một ê kíp quản lý truyền thông chuyên nghiệp sẽ giúp VĐV hoạch định chiến lược hình ảnh rõ ràng: từ câu chuyện thương hiệu cá nhân, thông điệp cốt lõi, đến cách lựa chọn hợp đồng quảng cáo phù hợp với giá trị mà VĐV theo đuổi. Quan trọng hơn, họ đóng vai trò như một “tấm lọc” để VĐV tránh bị khai thác quá đà hoặc dính phải những lùm xùm không đáng có.

Với nhiều VĐV như Ánh Viên, Nguyễn Hoàng Đức, việc có đội ngũ đứng sau hỗ trợ truyền thông giúp họ vừa tập trung vào sự nghiệp thể thao, vừa đảm bảo hình ảnh được duy trì nhất quán, tích cực. Đó là lý do họ không chỉ được yêu mến bởi chuyên môn mà còn được các nhãn hàng săn đón vì hình ảnh đáng tin cậy, truyền cảm hứng.

HẠN CHẾ RỦI RO

Một điểm dễ thấy trong hành trình “từ sân đấu đến mạng xã hội” là rất nhiều VĐV chưa lường trước những rủi ro về hình ảnh. Một bài đăng thiếu kiểm duyệt, một bình luận lỡ lời, hay thậm chí chỉ là một video ngẫu hứng… đều có thể trở thành cơn bão truyền thông nếu không được xử lý kịp thời. Lúc này, người quản lý không chỉ làm nhiệm vụ truyền thông mà còn là “luật sư hình ảnh” giúp VĐV giữ gìn danh tiếng. Và nếu VĐV có lỡ mắc sai lầm trong phát ngôn, ê kíp sẽ làm công việc xử lý khủng hoảng truyền thông để thiệt hại về hình ảnh, danh tiếng ở mức tối thiểu.

Ở các nền thể thao lớn như châu Âu, Mỹ, vai trò của người đại diện được chuẩn hóa từ rất sớm. Cristiano Ronaldo có Jorge Mendes, Lionel Messi có cha và một ê kíp truyền thông hùng hậu phía sau. Họ không chỉ lo hợp đồng thi đấu mà còn kiểm soát toàn bộ hoạt động truyền thông, thương mại, xây dựng hình ảnh của VĐV trên phạm vi toàn cầu. Mỗi bài đăng, mỗi lần xuất hiện đều được lên kế hoạch bài bản, chi tiết.

Tại VN, xu hướng này cũng bắt đầu được chú ý. Một số người đại diện thể thao đã bắt đầu đảm nhận vai trò kép, vừa là người đàm phán hợp đồng, vừa xây dựng thương hiệu cá nhân cho VĐV. Họ làm việc với nhiếp ảnh gia, chuyên gia truyền thông, lên nội dung cho từng kênh xã hội, đảm bảo sự đồng nhất giữa hình ảnh VĐV trên sân và ngoài đời.

Xây dựng hình ảnh cá nhân cho VĐV không đơn thuần là mặc đẹp, nói hay, chụp ảnh nhiều. Đó là một quá trình cần tính toán, chiến lược và cả sự kiên trì. Sẽ có lúc VĐV bị mệt mỏi bởi lịch quay, lịch đăng nội dung, hoặc áp lực phải thể hiện tốt ở cả sân đấu và mạng xã hội. Nhưng nếu biết cách cân bằng và có đội ngũ hỗ trợ phù hợp, đó sẽ là hành trình xứng đáng. Bởi giờ đây, VĐV không chỉ là người thi đấu để giành huy chương. Họ là người truyền cảm hứng, là người kể chuyện, là biểu tượng cho một lối sống, một thế hệ, một quốc gia. Và hành trình đó, không ai nên phải đi một mình. (còn tiếp)