Điều còn thiếu của thể thao Việt Nam
“Đừng phỏng vấn nhé, em… ngại lắm”, đó là câu nói của một VĐV từng thi đấu tại ASIAD với người viết, khi vừa trở về từ giải châu Á. Dù được đào tạo chuyên môn bài bản và từng thi đấu ở nhiều giải lớn nhỏ, nhưng VĐV này vẫn cảm thấy run khi đứng trước ống kính máy quay.
Cùng tâm trạng, tiền vệ Trần Thị Hải Linh của đội tuyển bóng đá nữ VN nói vui rằng áp lực khi thi đấu tại World Cup 2023, nơi cô cùng đồng đội từng chạm trán các cầu thủ Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha cũng chẳng thể sánh bằng vài phút trả lời phỏng vấn. “Em cảm thấy run, thậm chí run hơn lúc thi đấu”, Hải Linh khẳng định. Ở đội tuyển nữ VN, ngoại trừ những đàn chị đã quen với báo chí, truyền thông như Phạm Hải Yến, Huỳnh Như, Chương Thị Kiều… đa số các tuyển thủ đều ngại trả lời phỏng vấn, không muốn lên sóng vì… chẳng biết chia sẻ điều gì.

“Kình ngư” Ánh Viên xây dựng thương hiệu dạy bơi rất thành công sau khi giải nghệ
ẢNH: MINH TÂN
Khi còn huấn luyện đội U.19 VN ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF cách đây 6 năm, HLV Philippe Troussier từng cho các cầu thủ trẻ một bài kiểm tra thú vị. Theo thông lệ, khi báo chí xuất hiện, đội U.19 VN sẽ cử ra 2 cầu thủ trả lời phỏng vấn. Nhưng hôm ấy, ông Troussier cho cả đội đứng xếp hàng trả lời. Số ít cầu thủ trả lời mạch lạc, tự tin, còn phần lớn đều lắp bắp. Một tuyển thủ trẻ chia sẻ, sức ép thi đấu có lẽ cũng không khiến cầu thủ căng thẳng bằng lúc lên hình. HLV Troussier thì nói rằng việc cho cả đội đứng ra tiếp xúc với báo chí là cách để ông kiểm tra bản lĩnh cầu thủ.
HLV Troussier cẩn thận không thừa, vì không hiếm chuyện VĐV đôi khi do xử sự không khéo léo dẫn đến tự làm xấu hình ảnh, hay làm mất lòng người hâm mộ. Từng có một cựu tuyển thủ VN lên mạng xã hội để cãi nhau tay đôi với khán giả, sau cùng thiệt cả đôi đường. Hay cũng có những VĐV khi gặp sức ép lại chọn cách thu mình, khép lòng với tất cả, trở nên ngại ngần dư luận và không còn muốn xuất hiện trước đám đông.
Những mẩu chuyện kể trên đến từ một lẽ: VĐV lâu nay không được dạy kỹ năng trả lời phỏng vấn, hay cách tương tác với truyền thông và người hâm mộ. Trong khi đây là nền tảng quan trọng để VĐV VN có thể xây dựng thương hiệu cá nhân và tìm kiếm thu nhập.
Không đơn thuần là xây dựng hình ảnh cá nhân, mà nếu được học kỹ năng mềm, VĐV có thể giao tiếp tốt với HLV, đồng đội, truyền thông và người hâm mộ, tạo mối quan hệ tốt và xây dựng hình ảnh tích cực. Kỹ năng mềm cũng giúp họ tương tác với đồng đội tốt hơn (đặc biệt ở các môn thể thao tập thể), có đủ năng lực để phân tích tình huống, tìm ra giải pháp tối ưu, vượt qua khó khăn trong thi đấu và cuộc sống. Đồng thời, VĐV dễ dàng hòa nhập với môi trường mới, thích nghi với biến động trong tập luyện, thi đấu.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương, Trưởng ban bóng đá học đường Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, phân tích: “Việc dạy kỹ năng mềm cho VĐV thể thao cần được tiến hành bài bản, đan xen khi các em còn ngồi trên ghế nhà trước, khi còn là những VĐV trẻ. Đặc thù của thể thao là VĐV thường sinh hoạt, tập luyện khép kín, ít khi tiếp xúc với xã hội, dành phần lớn thời gian trong ngày trên sân tập hoặc giữa bốn bức tường nhà thi đấu. Vậy nên chuyện đào tạo kỹ năng giao tiếp, xây dựng hình ảnh càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, cần dạy chỉn chu, xen kẽ với tập luyện chuyên môn, chứ không nên chỉ dạy kiểu “chữa cháy” bằng những buổi hội thảo, chia sẻ. Vì cũng như kỹ năng chuyên môn, những kỹ năng mềm cần thời gian để ngấm và áp dụng. Thể thao VN cần xã hội hóa, cần có sự chung tay của doanh nghiệp để chuyên nghiệp và bài bản từ những chi tiết nhỏ nhất, tránh những lối mòn tư duy vốn không còn hợp thời”.
CẦN Ê KÍP XÂY DỰNG HÌNH ẢNH CHO VĐV
Những VĐV, cựu VĐV hàng đầu hiện nay như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức (bóng đá), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… đều bạo dạn với ống kính máy quay, trả lời phỏng vấn tự tin, luôn gần gũi với người hâm mộ.
Nỗ lực tự học hỏi, mài giũa cả trong chuyên môn lẫn ngoài đời sống giúp VĐV tạo dựng tên tuổi, nhưng để phát triển hình ảnh cá nhân, VĐV còn cần có ê kíp, đội ngũ đại diện hình ảnh, công ty truyền thông, báo chí… đứng sau hỗ trợ.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh: “Các VĐV quốc tế khi đi thi đấu luôn có cả một “bầu đoàn thê tử” đi cùng để phụ giúp từ chuyên môn đến hậu trường. Dĩ nhiên, VĐV đỉnh cao được dạy rất kỹ tác phong trước ống kính máy quay, hay cách giữ gìn hình ảnh sạch sẽ, chuyên nghiệp. Song, họ không làm mọi thứ một mình, mà có một ê kíp đứng đằng sau lo cho từng chân tơ kẽ tóc, để VĐV có thể tập trung 90-95% cho tập luyện và thi đấu. Gần đây, tôi đã thấy sự xuất hiện thường xuyên hơn của các ê kíp hỗ trợ khi VĐV VN thi đấu, nhưng mới chỉ dừng lại ở những VĐV nổi tiếng, trong khi phần lớn các môn thể thao VN vẫn đang diễn ra thầm lặng.
Cục TDTT nói riêng và ngành thể thao nói chung cần ý thức rõ ràng hơn trong việc xây dựng hình ảnh cho VĐV, và cho chính ngành thể thao. Vì chỉ khi tạo được hình ảnh tích cực, lan tỏa, VĐV mới dễ tìm được “kế sinh nhai” trước và sau khi giải nghệ. Đừng nghĩ thể thao chỉ có thi đấu và lấy thành tích. Trong kỷ nguyên mạng xã hội phát triển, các VĐV có đủ phương tiện để nâng cao hình ảnh, tham gia sâu rộng vào thể thao quần chúng, quảng bá cho thương hiệu. Vấn đề nằm ở tư duy của người quản lý có thể hỗ trợ VĐV đến đâu. Vậy nên tôi mới nhận định thể thao VN phải chuyên nghiệp, tìm ra con đường hướng đến doanh nghiệp và người hâm mộ nhiều hơn nữa”. (còn tiếp)