Cuốn hồi ký kể chuyện đời của Craig từ bé sống trong gia đình, đi học, lớn lên trong thập niên 1960 nhiễu loạn của nước Mỹ. Những cuộc đi xa tận Chile (Nam Mỹ) để tìm việc làm ăn và trở về thành nông dân – doanh nhân. Anh hiện là chủ tịch một trang trại trồng quả óc chó, hạnh nhân và ô liu hữu cơ, là nhà sáng lập Trung tâm học tập dựa trên đất đai (Center for land-based learning).

Bìa sách Vì cha chúng tôi nói dối – hồi ký của Craig McNamara – con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (NXB Trẻ – Trần Hà Nguyên và Vũ Thái Hà dịch)
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Sách có 3 phần gồm 19 chương: kể chuyện cuộc đời trưởng thành trong nỗi ẩn ức giằng xé giữa tình yêu cha và nỗi đau khổ không tranh luận bày tỏ được về cuộc chiến tranh Việt Nam mà cha anh là “tác giả điều hành”.
Từ trường học, chứng kiến các cuộc biểu tình phản chiến của người Mỹ, Craig cứ nhận thức âm thầm – khóc vì đọc tin tức về cuộc tự thiêu của người cha Norman Morrison bế đứa con gái nhỏ Emily tới trước lầu Năm góc tự thiêu phản đối chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam (sau này anh đã đặt tên con gái mình là Emily).
Đời anh từng trải qua nhiều sự kiện: từ việc nghe và chứng kiến vai trò của Fidel Castro; sang Chile anh chứng kiến cuộc đảo chính lật đổ Allende – nhà lãnh đạo XHCN được bầu cử tự do, những trang nhật ký đẫm lệ của anh ghi chép sau ngày Allende bị ám sát…
Cuộc đời Craig là cuộc tự vấn “chật vật mãi khi tìm sự thật từ cha tôi” với nhiều câu hỏi: Liệu mình có khắc nghiệt với cha quá không? Vì sao cha không lên tiếng dứt khoát dù ông biết không thể thắng trong cuộc chiến này? Cha không nhận lỗi dù việc chất độc da cam, các cuộc ném bom giết hại dân thường chết dân lành? Sao mất cả mấy thập kỷ ông mới nhận sai lầm?…
Cuốn sách hồi ức này hay chính vì sự giằng xé của một người con yêu cha, trung thành với cha nhưng sang chấn tâm lý, sống trong sự nghi ngờ “thâm tâm tôi biết cuộc chiến sai trái và không thể đi ngược lại trái tim mình”. Anh luôn muốn cha nói lên sự thật dù có lúc anh không chắc sự thật định nghĩa như thế nào. “Suốt nhiều năm cứ nói đến Việt Nam là tôi chực muốn khóc”, anh bày tỏ.
Những chương cuối là sự giải tỏa phần nào khi Craig tới Việt Nam vào 20 năm sau khi cha anh Robert McNamara xuất bản hồi ký của mình (năm 1995) – và ngày đó cha anh đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nay Craig tới Hà Nội để thực sự nhìn thấy Việt Nam, đã đến tận nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trò chuyện với con trai Đại tướng. Anh đã được giải tỏa phần nào đau đớn đã ám ảnh suốt đời “chúng tôi sẽ sống ra sao khi biết được những gì cha mình đã làm”.
Dường như viết ra cuốn hồi ký này, Craig được giải tỏa bớt nỗi khổ đau – cuốn hồi ký không chỉ là câu chuyện đời một người con trong gia đình mà còn cho thấy nhiều câu chuyện của nước Mỹ.
Các dịch giả Trần Hà Nguyên và Vũ Thái Hà đã chuyển ngữ nhuần nhuyễn chính xác chuyện đời một người con “rong ruổi trên đường buồn thảm” và cho người đọc hiểu sâu sắc về nước Mỹ.