Thực phẩm chứa tinh bột đơn giản như bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh quy có thể làm tăng đường huyết, tích tụ mỡ dễ dẫn đến rối loạn mỡ máu.
Cholesterol (chất béo) không tan trong nước, di chuyển trong hệ tuần hoàn, có trong mọi tế bào của cơ thể. Chúng cần thiết để sản xuất hormone, vitamin D, chất giúp tiêu hóa thức ăn. Có hai loại chính là LDL, thường được gọi là cholesterol xấu vì thúc đẩy hình thành mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. HDL là cholesterol tốt vì giúp loại bỏ các dạng cholesterol xấu khỏi máu.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khi bị rối loạn mỡ máu, hầu hết mọi người đều nghĩ chỉ cần cắt giảm thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ thực vật, trứng, thịt. Tuy nhiên, còn một tác nhân góp phần khiến chỉ số LDL và triglyceride (chất béo trung tính) tăng, HDL giảm, đó là carbohydrate xấu.
Carbohydrate (chất đường bột) là chất dinh dưỡng đa lượng chứa trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm đường, tinh bột và chất xơ. Đây là nguồn năng lượng (calo) quan trọng bên cạnh chất béo và chất đạm. Có hai loại là carbohydrate đơn giản và phức tạp. Carbohydrate đơn giản là các loại đường đơn, đường đôi, cung cấp năng lượng và làm tăng đường huyết nhanh chóng. Do đó, thường xuyên ăn thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản (nước ngọt, bánh mì trắng, pizza, ngũ cốc có đường, bánh ngọt, bánh quy, khoai tây chiên…) tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Carbohydrate phức tạp chứa chuỗi phân tử đường dài hơn carbohydrate đơn giản. Cơ thể cần nhiều thời gian hơn để phân giải thành glucose. Các thực phẩm chứa carbohydrate phức tạp thường có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ , tiểu đường type 2 hay một số bệnh ung thư. Các thực phẩm phổ biến chứa loại carbohydrate này là gạo lứt, lúa mạch, kiều mạch, rau xanh, các loại đậu, các loại hạt…

Carbohydrate xấu thường có trong nước ngọt, đồ ngọt góp phần dẫn tới rối loạn mỡ máu. Ảnh: Đình Lâm
Bác sĩ Ngọc giải thích lượng carbohydrate cơ thể tiêu thụ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu (glucose). Ăn càng nhiều carbohydrate, lượng đường trong máu càng cao, từ đó làm tăng mức insulin. Insulin là hormone có vai trò chuyển hóa glucose thành glycogen (dạng dự trữ của glucose) và dự trữ tại gan. Khi gan bão hòa glycogen, glucose được dùng để tạo ra axit béo, giải phóng vào máu. Các axit béo này được sử dụng để sản sinh triglyceride trong các tế bào mỡ, dẫn đến lượng mỡ trong cơ thể tăng. Đường huyết cao còn gây nên những thương tổn sớm ở tế bào nội mạc mạch máu. Bên cạnh đó, tăng đường huyết khiến cho độ nhớt của máu cao, làm tăng sự lắng đọng và bám dính của các tế bào mỡ vào thành mạch, tạo ra các , gây hẹp lòng mạch dẫn đến bệnh mạch vành.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người cần giảm mỡ máu nên hạn chế dung nạp carbohydrate xấu, thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày, cắt giảm rượu bia, không và các chất kích thích, sử dụng thuốc đúng và đủ liều. Người bệnh nên đi khám định kỳ để kiểm tra các chỉ số đường huyết, mỡ máu.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch để bác sĩ giải đáp |