Vì sao cha mẹ bị con đặt biệt danh xúc phạm?

Vì sao cha mẹ bị con đặt biệt danh xúc phạm?

bởi

trong

Mang chiếc điện thoại hỏng của con đi sửa, chị Lệ run bắn khi thấy số của mình và chồng được lưu thành “Bully” (kẻ bắt nạt) và “The Bitch” (con khốn).

“Chúng tôi sốc không nói nên lời”, người mẹ kể. “Trong khi mình yêu thương con bao nhiêu mà bị đối xử như vậy, cảm giác như bị phản bội”.

Những đoạn tin nhắn của cậu con trai học lớp 8 với nhóm bạn cũng khiến vợ chồng họ choáng váng. Cậu bé tỏ ra không e dè trong việc chửi thề và thốt ra những lời xúc phạm giáo viên, cha mẹ.

Chị Lệ nói chưa bao giờ trong đời khóc nhiều đến thế. Trong cơn khủng hoảng, chị tìm đến một nhóm phụ huynh để xin lời khuyên, nhưng càng thêm tổn thương khi nhận về hàng loạt phán xét như “Chiều quá sinh hư”, “Bố mẹ có như thế nào thì con mới phản ứng vậy”.





Vì sao cha mẹ bị con đặt biệt danh xúc phạm?

Lưu biệt danh xúc phạm cho cha mẹ là một hiện tượng không hiếm gặp, nhưng đằng sau là chỉ báo cho mối quan hệ cha mẹ với con cái đang có vấn đề. Ảnh minh họa: Sohu

Nhiều năm làm nghề tư vấn cho phụ huynh và con cái, chuyên gia tâm lý Kim Thành (Hà Nội) cho rằng việc trẻ đặt biệt danh xúc phạm cha mẹ khá phổ biến trong một số nhóm trẻ, đặc biệt trong lứa tuổi dậy thì, khi các em đang trong quá trình phát triển cảm xúc, thử nghiệm giới hạn hoặc phản ứng với những áp lực, căng thẳng từ gia đình hoặc môi trường học đường.

Anh Phan Văn Lê Sơn, nghiên cứu sinh thạc sĩ tại ĐH Tâm lý quốc tế (IPU) Berlin, Đức cho biết trong tâm lý học hiện tượng này thường được gọi là covert resistance (phản kháng ngầm) hay identity distancing (tách biệt nhận dạng).

“Ngày nay nhiều thanh thiếu niên sử dụng việc đặt gây sốc hoặc hỗn láo cho cha mẹ như một cách để giành quyền kiểm soát trong một thế giới mà các em thường cảm thấy không có tiếng nói”, chuyên gia tâm lý Sơn nói. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở nhóm thanh thiếu niên có xu hướng sống nội tâm, ít chia sẻ và đang trải qua giai đoạn phân tách tâm lý khỏi cha mẹ để định hình bản sắc cá nhân

Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ môi trường tác động như nhóm bạn, ngôn ngữ mạng, khiến nhiều em cảm thấy biệt danh thô tục là điều bình thường, thậm chí giúp chúng dễ hòa nhập nhóm.

Dưới góc của thuyết gắn bó (attachment theory), tiến sĩ Trần Kiều Như, chuyên gia nghiên cứu về Trẻ em và Gia đình tại Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết mối quan hệ đầu đời giữa trẻ và người chăm sóc chính sẽ hình thành một kiểu gắn bó an toàn hoặc không an toàn (bao gồm né tránh, lo âu và hỗn loạn).

“Với trẻ có gắn bó an toàn, dù có cảm xúc tiêu cực với cha mẹ, các em vẫn có khả năng trao đổi, đối thoại trực tiếp. Việc đặt biệt danh xúc phạm, nếu có, thường chỉ mang tính đùa giỡn trong giới hạn”, tiến sĩ Như nói. “Nhưng với những đứa trẻ có kiểu gắn bó không an toàn, hành vi ấy lại có thể là cách để chúng phát tín hiệu”.

Bà Như dẫn ví dụ từng làm việc với một cậu bé có người mẹ dịu dàng, không hề mắng chửi hay dùng roi vọt. Đáp lại em “chiến tranh lạnh” và đặt biệt danh xúc phạm cho mẹ.

Sau khi trò chuyện sâu, chuyên gia nhận ra người mẹ hay dùng cảm xúc tiêu cực để điều khiển con. Mỗi lần con làm trái ý, người mẹ than khóc, nói những câu như “con làm mẹ đau lòng lắm”. Cách giao tiếp này khiến cậu bé thấy bị thao túng, không được là chính mình và cuối cùng chọn phản ứng như trên.

Nhiều bậc phụ huynh có câu cửa miệng “trẻ con bây giờ quá sướng”, “chiều quá sinh hư” khi nói về thanh thiếu niên Gen Z trở đi. Trong cuốn sách Cái giá của đặc quyền, tiến sĩ tâm lý người Mỹ Madeline Levine – với 35 năm kinh nghiệm làm việc cùng trẻ em và phụ huynh – đã kết luận bất chấp những lợi thế về mặt vật chất, điều kiện giáo dục, trẻ em thời nào cũng phải vật lộn với các vấn đề về tâm lý từ trầm cảm, nổi loạn đến nghiện chất, tự hủy hoại bản thân cao hơn bất cứ nhóm trẻ nào.

Từ xưa đến nay, con người luôn có nhu cầu được làm chủ bản thân, phát triển năng lực và xây dựng mối quan hệ với người xung quanh.

Nhưng chính trong nhóm trẻ được xem là “chiều quá sinh hư”, tiến sĩ Madeline phát hiện chính các phụ huynh đầy thiện ý hóa ra đang góp thêm khó khăn cho sự phát triển cái tôi của trẻ. Cha mẹ khi tạo áp lực, nhấn mạnh những thước đo bề nổi về sự thành công; lúc quá khắt khe, thờ ơ và áp đặt cảm xúc.

Khi trẻ không được trao cơ hội để cảm nhận và định hình cái tôi, hành vi nổi loạn, đặt biệt danh xúc phạm hay im lặng rút lui sẽ xuất hiện. Và chừng nào nhu cầu ấy còn bị phủ nhận, chừng đó “đại dịch tâm lý” trong thế hệ trẻ sẽ còn tăng cao.

Các chuyên gia đều thống nhất những biểu hiện như vậy không nên bị đánh đồng với “mất dạy” hay “hư hỏng”. Ngôn ngữ chỉ là bề nổi, điều cần quan tâm là động cơ, cảm xúc và nhu cầu ẩn sau hành vi.

“Những gì trẻ viết hoặc lưu lại trong điện thoại hay trên mạng xã hội không phản ánh toàn bộ con người chúng. Đó chỉ là một lát cắt tâm trạng tại một thời điểm cụ thể, đôi khi được thúc đẩy bởi tâm trạng tiêu cực, ảnh hưởng từ bạn bè”, chuyên gia Sơn nói.

Ông khuyên với thay vì phản ứng bằng chỉ trích hay trừng phạt, cha mẹ nên coi đây là một tín hiệu cần lắng nghe để hiểu con mình đang gặp khó khăn gì, đang cần gì, từ đó học cách kết nối lại.

“Chị Lệ hãy tha thứ cho con và cả cho chính mình”, chuyên gia khuyên. “Hãy xem việc đặt biệt danh đó như một lời nhắn, để nhìn lại mối quan hệ giữa hai mẹ con: liệu con có cảm thấy an toàn, được lắng nghe, được kết nối không? Con đang mang những cảm xúc gì, gặp khó khăn gì và hành động ấy, rốt cuộc đang muốn đáp ứng nhu cầu sâu xa nào từ bên trong?”.

Tối cùng ngày khi phát hiện vụ việc, chồng chị Lệ đã trao đổi trực tiếp với con. Cậu bé tỏ ra hối lỗi. Trong bức thư gửi bố mẹ, cậu bé nhận lỗi, đồng thời cũng lý giải có cách nói chuyện như vậy do ảnh hưởng từ cậu bạn thân, nói nhiều thành quen và cảm giác được hòa nhập với nhóm. Hôm cậu lưu những biệt danh ấy chính là lúc vừa bị mẹ mắng, khiến cậu cảm thấy ấm ức.

“Đọc thư con mình nghĩ con vẫn là con và mình hiểu vì sao con có thêm phiên bản khác”, chị Lệ chia sẻ.

Người mẹ đã viết một bức thư gửi lại con. “Trong thư tôi mong muốn từ nay sẽ trở thành một người mẹ tin cậy, để được con mở cánh cửa cho vào phiên bản khác của mình”, chị nói.

Phan Dương