Nhu cầu muốn thấu hiểu thế giới, cảm thấy an toàn và thuộc về một cộng đồng là lý do khiến nhiều người tin vào các thuyết âm mưu.
Tiến sĩ Matthew Facciani, nhà khoa học về thần kinh và tâm lý tại Đại học Notre Dame (Mỹ) đã phân tích, tổng hợp từ 279 nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân nào khiến con người có xu hướng tin vào những câu chuyện thiếu bằng chứng thực nghiệm.
Mong muốn tìm ra “sự thật” ẩn giấu
Khi đối mặt với các sự kiện phức tạp, không chắc chắn hoặc thiếu tin tưởng vào nguồn tin chính thống, con người có xu hướng tìm kiếm những lời giải thích khác. Thuyết âm mưu mang lại cho họ cảm giác đã khám phá ra một sự thật bị che giấu, tạo ra một sự rõ ràng, ngay cả khi niềm tin đó sai lầm.
Mong muốn kiểm soát và an toàn
Cảm giác bất lực, lo lắng và mất kiểm soát, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng, là mảnh đất màu mỡ cho thuyết âm mưu. Việc tin rằng có một thế lực nào đó đứng sau giật dây giúp thế giới có vẻ dễ đoán hơn. Những niềm tin này tạo ra một “lá chắn” tâm lý, cho phép người ta có đối tượng để đổ lỗi cho những điều tồi tệ xảy ra.

Mong muốn kiểm soát và cảm giác an toàn khiến nhiều người tin vào những thuyết âm mưu. Ảnh minh họa: TIME
Mong muốn thuộc về một cộng đồng đặc biệt
Con người đôi khi tin vào thuyết âm mưu để cảm thấy mình đặc biệt, vượt trội hoặc là thành viên của một nhóm ưu tú. Niềm tin này nuôi dưỡng tâm lý “chúng ta biết sự thật, còn những người khác thì không”. Xu hướng này càng mạnh mẽ hơn ở những người cảm thấy bị cô lập hoặc không tin tưởng người ngoài. Việc tin rằng bạn bè cũng đồng tình với mình càng củng cố và ổn định niềm tin đó.
Nói cách khác, thuyết âm mưu đáp ứng các nhu cầu tâm lý quan trọng: giúp con người cảm thấy chắc chắn, an toàn và được kết nối hơn.
Tuy nhiên, sự an ủi này phải trả một cái giá đắt, bao gồm việc dễ bị tổn thương trước thông tin sai lệch, gia tăng sự mất lòng tin vào xã hội và gây chia rẽ sâu sắc.
Nghiên cứu của tiến sĩ Matthew Facciani chỉ ra điều quan trọng không nằm ở hoàn cảnh thực tế, mà ở cảm giác thiếu chắc chắn, thiếu địa vị hay thiếu sự hỗ trợ. Một người có cuộc sống khách quan tốt vẫn có thể tin vào thuyết âm mưu nếu họ cảm thấy thiếu thốn ở những khía cạnh này.
Hiểu được gốc rễ tâm lý của niềm tin vào thuyết âm mưu là bước đầu tiên để tìm ra cách phản ứng phù hợp, thông qua giáo dục, sự đồng cảm hoặc giải quyết các nguyên nhân gây ra sự bất an và cô lập trong xã hội.
Minh Phương (Theo Psychology Today)