
Dù khoai tây chuyển xanh và mọc mầm vẫn có thể ăn được nhưng tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe do chứa độc tố solanin.
Ellen Shumaker, giám đốc chương trình an toàn thực phẩm Safe Plates tại Đại học Carolina (Mỹ), cho biết khoai tây mọc mầm vẫn an toàn nếu mầm nhỏ và củ khoai tây không mềm.
Tuy nhiên, mầm khoai tây thường chứa solanine, một chất độc có thể gây đau đầu, nôn mửa và các triệu chứng tiêu hóa khác. Độc tố này cũng xuất hiện trong khoai tây có vỏ đã chuyển màu xanh. Việc tiếp xúc với ánh sáng khiến vỏ khoai sản sinh chlorophyll, làm khoai tây chuyển xanh và chuẩn bị mọc mầm.
Chuyên gia dinh dưỡng Maggie Michalczyk, người sáng lập nền tảng tư vấn thực phẩm Once Upon a Pumpkin, cho biết màu xanh trên khoai tây là dấu hiệu của solanine.
Nếu khoai tây chỉ có đốm xanh nhỏ, bạn có thể cắt bỏ, nhưng nếu có đốm xanh lớn, bạn nên vứt đi. Mầm và màu xanh là dấu hiệu khoai tây hỏng, cùng với hiện tượng khoai tây mềm, teo. Trong trường hợp nghiêm trọng, solanine có thể gây liệt.
Trung tâm mở rộng ở Đại học bang Michigan khuyến nghị vứt bỏ khoai tây có vỏ xanh và mọc mầm để tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa do solanine và chaconine gây ra. Các triệu chứng thường bắt đầu trong vài giờ sau khi ăn khoai tây xanh, nhưng đôi khi có thể xuất hiện sau một hoặc hai ngày.
Tamar Samuels, giám đốc công ty tư vấn dinh dưỡng Culina Health (Mỹ), cho biết khoai tây mọc mầm luôn ít dinh dưỡng hơn do tiếp xúc với quá trình oxy hóa từ nhiệt độ cao.
“Nếu bạn đang xử lý một củ khoai tây trông bình thường, dù là khoai tây trắng hay khoai lang, bạn có thể yên tâm rằng nó vẫn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu”, bà nói.
Bà gợi ý khoai tây trắng thường chứa vitamin C và kali, giúp ngăn ngừa bệnh còi xương nhờ hàm lượng vitamin C cao.
Để tránh solanine, bạn cần bảo quản khoai tây ở nơi mát, tối, khô ráo, với nhiệt độ lý tưởng từ 7-10 độ C và khu vực thông thoáng. Với điều kiện này, khoai tây có thể giữ được chất lượng tốt nhất trong khoảng một tháng.
Ngọc Ngân (Theo Huffpost)