Nguyên cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khai mỗi lần đoàn đi kiểm tra, hậu kiểm doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng MegaPhaco, MEDIUSA đều được đưa “tiền cảm ơn”.
Ngày 13/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) khởi tố 5 người của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế để điều tra tội Nhận hối lộ, gồm: nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Phó phòng Giám sát ngộ độc Cao Văn Trung; Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm Đinh Quang Minh và Phó giám đốc Nguyễn Thị Minh Hải, chuyên viên 2 Lê Thị Hiên.
Trong số này, bà Hải được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, 4 người còn lại bị tạm giam.
5 người bị xác định liên quan vụ án làm giả hàng trăm tấn thực phẩm chức năng do Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA – trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) và đồng phạm thực hiện.

Nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an
Tại cơ quan điều tra, nguyên Cục trưởng Phong khai mỗi lần đi hậu kiểm về, Phó phòng Trung đã đưa cho ông một phong bì 50 triệu nói là “doanh nghiệp cảm ơn”. Trong đó, đơn vị có 4 lần đi cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất tốt (giấy chứng nhận GMP); một lần đi cấp lại cho hai nhà máy và một lần đi hậu kiểm.
“Như vậy, anh Trung đã đưa cho tôi tổng 250 triệu đồng”, ông Phong khai.
Bị can Trung khai sai phạm của đơn vị đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo của quy định pháp luật; qua đó cũng giảm khách quan trong công tác kiểm tra, hậu kiểm.
Bị can Minh thừa nhận trước khi tiếp nhận hồ sơ công bố đều dựa hết vào tài liệu mà doanh nghiệp cung cấp, là chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Bị can Nguyễn Thanh Phong, Đinh Quang Minh, Nguyễn Thị Minh Hải, Lê Thị Hiên, Cao Văn Trung (từ trái qua phải) tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Kết quả điều tra ban đầu xác định, để được sản xuất thực phẩm chức năng, doanh nghiệp của Năng phải được cấp giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm. Muốn được tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường, doanh nghiệp này phải được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép công bố sản phẩm.
Thế nhưng, để được sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, Mạnh bị cáo buộc đã thông đồng, móc ngoặc và đưa tiền “lobby” cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Nhóm này đã chi khoảng 3,2 tỷ đồng cho nhiều lãnh đạo, cán bộ để được giảm một số lỗi khi thẩm định, hậu kiểm.
Việc chi tiền còn nhằm được cán bộ có thẩm quyền tạo điều kiện trong việc cấp 4 giấy chứng nhận GMP cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA; cấp phép cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 Công ty gồm: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist, VitaPhar.

Cảnh sát thu khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng giả. Ảnh: Công an cung cấp
Hiên, Mạnh cùng Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar), Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức), Phạm Thị Hường (kế toán phụ trách 4 công ty), Lê Thị Toan (thủ quỹ 6 công ty) bị C03 khởi tố, tạm giam về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoặc Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2016, thủ đoạn làm giả của nhóm này là mua nguyên liệu trôi nổi, hoặc của Trung Quốc, rồi gắn nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu. Nhiều thành phần hàng hóa chỉ đạt dưới 30% so với công bố.
Theo công an, nhóm khách hàng mà đường dây này nhắm tới là người già, trẻ em. Việc làm giả các sản phẩm diễn ra từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường.
Khi thấy bị đánh động, Mạnh và đồng phạm liền tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên lúc khám xét, cơ quan điều tra đã thu nhiều thực phẩm chức năng với khối lượng khoảng 100 tấn.
Ngoài ra, nhóm này còn sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán (một nội bộ, một để kê khai thuế) nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thoát cho Nhà nước.