Trong bối cảnh chi phí chăm sóc sức khỏe và tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng, một số quốc gia đã miễn hoàn toàn hoặc phần lớn viện phí cho người dân, đảm bảo “không ai bị bỏ lại”.
Những nước như Cuba, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đang chứng minh, dù ở mức thu nhập khác nhau, việc đảm bảo tiếp cận y tế là một ưu tiên chính trị và xã hội.
“Đảm bảo tiếp cận y tế công bằng không chỉ là một hành động nhân đạo mà còn là nền tảng cho ổn định xã hội và tăng trưởng dài hạn”, giáo sư Thomas J. Bollyky, Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), nhận định trong một bài viết trên Foreign Affairs.
Những nước nào đang miễn viện phí
Tại Cuba, miễn phí y tế là một trong những trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Kể từ sau Cách mạng năm 1959, đất nước này xây dựng mạng lưới y tế công cộng bao phủ toàn dân, với các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và phân bố đều từ thành thị đến nông thôn. Người dân Cuba không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào khi đến bệnh viện, từ khám bệnh, xét nghiệm đến điều trị nội trú hay phẫu thuật.
Sri Lanka cũng có hệ thống y tế công miễn phí lâu đời, bắt đầu từ năm 1951. Nhà nước chi trả hoàn toàn chi phí điều trị tại các bệnh viện công lập, bao gồm thuốc men và thiết bị y tế cơ bản. Chính sách này đã giúp quốc gia Nam Á đạt được nhiều chỉ số sức khỏe tích cực, trong đó có tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh thuộc hàng thấp nhất khu vực.
Thái Lan triển khai chương trình Bảo hiểm Y tế Toàn dân (Universal Coverage Scheme – UCS) từ năm 2002. Người dân đăng ký tại cơ sở y tế địa phương và được cấp “thẻ vàng”, cho phép họ sử dụng dịch vụ mà không cần trả tiền hoặc chỉ trả mức phí 30 baht. Khoảng 99% dân số Thái hiện đã được bao phủ bởi hệ thống này, với chi phí chủ yếu do chính phủ tài trợ.
Malaysia theo đuổi mô hình y tế công với chi phí thấp. Mặc dù không miễn phí hoàn toàn, nhưng người dân chỉ phải trả một phần rất nhỏ so với chi phí thực tế, ví dụ như vài ringgit cho mỗi lần khám bệnh. Họ cũng có thể lựa chọn khám bệnh theo gói thay vì từng dịch vụ nhỏ, giúp tiết kiệm tối đa chi phí. Chính phủ Malaysia trợ cấp mạnh mẽ cho hệ thống y tế công, đảm bảo chi phí không trở thành rào cản tiếp cận dịch vụ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình bảo hiểm y tế toàn dân (Genel Sağlık Sigortası – GSS) được triển khai từ năm 2003, yêu cầu người dân đăng ký với Cơ quan An sinh Xã hội (SSI). Những người có thu nhập thấp được nhà nước trợ cấp hoặc miễn phí hoàn toàn. Chính sách này đã giúp giảm mạnh tỷ lệ người không có bảo hiểm, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận y tế.
Brazil, với hệ thống y tế công Sistema Único de Saúde (SUS), cung cấp dịch vụ y tế hoàn toàn miễn phí cho toàn bộ dân cư, bao gồm người nước ngoài cư trú hợp pháp. SUS hoạt động với mạng lưới rộng lớn từ cơ sở đến tuyến trung ương, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Đây là một trong những hệ thống y tế công lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, các nước như Anh, Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Canada cũng duy trình chính sách miễn viện phí hoặc chi phí rất nhỏ như trên.

Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân tại bệnh viện ở Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Nguyên nhân miễn phí y tế
Các quốc gia trên đều có mẫu số chung: coi y tế là quyền cơ bản của con người. Tại Cuba và Brazil, điều này được ghi rõ trong Hiến pháp như một cam kết chính trị không thể đảo ngược. Với Thái Lan hay Sri Lanka, chính sách miễn viện phí xuất phát từ nhu cầu cấp thiết giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đây là công cụ để ngăn chặn tình trạng “ngân sách thảm họa” (catastrophic health expenditure): chi phí điều trị đẩy cả gia đình vào đói nghèo.
Ngoài ra, nhiều nước nhìn nhận chi tiêu cho y tế như một chiến lược phát triển dài hạn, thay vì coi đó là gánh nặng ngân sách. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh việc tăng cường nguồn lực cho ngành này có tác động sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
WHO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã công bố báo cáo chính sách cho thấy đầu tư vào y tế mang lại lợi ích lan tỏa cho nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp giảm nghèo thông qua giảm chi phí trực tiếp cho người dân và tạo thêm việc làm. Ví dụ, việc mở rộng bảo hiểm y tế ở Mexico đã tăng cường nguồn cung lao động trong khu vực công.
Một dân số khỏe mạnh giúp giảm chi phí an sinh xã hội trong tương lai, tăng năng suất lao động và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Việc lựa chọn đối tượng và phạm vi miễn viện phí cũng phản ánh ưu tiên chính sách. Cuba, Sri Lanka, Brazil hay Thái Lan chọn bao phủ toàn dân để tránh sự phân hóa xã hội và lỗ hổng hệ thống. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia có phân loại rõ ràng giữa công dân và người nước ngoài, với cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho nhóm yếu thế.
Tác động đến người dân và hệ thống y tế
Chính sách miễn hoặc trợ giá mạnh mẽ cho viện phí đã mang lại những kết quả tích cực rõ rệt. Tại Thái Lan, tỷ lệ người dân tiếp cận y tế thường xuyên tăng mạnh, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Số ca tử vong tránh được do chậm điều trị giảm rõ rệt. Sri Lanka và Cuba duy trì các chỉ số y tế cộng đồng ở mức tương đương với nhiều nước thu nhập cao, bất chấp nguồn lực hạn chế.
Ở Brazil, SUS đóng vai trò sống còn trong đại dịch Covid-19, giúp hàng triệu người được xét nghiệm, điều trị và tiêm vaccine miễn phí.
“Dù còn nhiều thách thức về tài chính và quản lý, SUS đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng xã hội lớn kể từ khi đại dịch bùng phát tại Brazil”, nhận định được Quỹ Fernando Henrique Cardoso đưa ra.
Tại Malaysia, chính sách y tế công giá rẻ được xem là một trong những lý do giúp tỷ lệ nghèo đói y tế của nước này thấp hơn nhiều quốc gia có thu nhập tương đương.
Tuy nhiên, các mô hình này không tránh khỏi thách thức. Việc cung cấp dịch vụ miễn phí tạo áp lực lớn lên ngân sách quốc gia. Nhiều hệ thống y tế công đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu nhân lực hoặc trang thiết bị lỗi thời.
Tại Brazil, năm 2020, nhiều nhân viên y tế xuống đường yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc trong bối cảnh SUS quá tải vì Covid-19. Ở Thái Lan, năm 2019, các tổ chức y tế địa phương lên tiếng phản đối việc cắt giảm ngân sách bảo hiểm UCS, lo ngại chất lượng dịch vụ sẽ suy giảm. Những động thái này phản ánh mâu thuẫn giữa lượng người sử dụng tăng cao và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế công.
Dù vậy, phần lớn người dân ở các nước đều ủng hộ chính sách miễn hoặc trợ giá viện phí. Với họ, đây không chỉ là một dịch vụ xã hội, mà là biểu hiện cụ thể nhất của công bằng và nhân đạo trong quản lý quốc gia.
Thục Linh (Theo CSIS, Over Sight, NCBI)